Trung Quốc đang "thử" Mỹ ở biển Đông?

Xuân Mai |

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ lần thứ hai đi vào biển Đông kể từ đầu năm 2021.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở biển Đông hôm 6-4 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở biển Đông hôm 6-4 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Hải quân Mỹ hôm 5-4 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (TRCSG) đang tiến hành một loạt hoạt động diễn tập trên không, tấn công trên biển, săn ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp… ở biển Đông. Đây là lần thứ hai TRCSG đi vào biển Đông trong đợt triển khai đến khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ năm 2021.

Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, cho biết sứ mệnh lần này nhằm trấn an các đồng minh và đối tác rằng Washington vẫn duy trì cam kết đối với tự do hàng hải.

"Chúng tôi đã thể hiện cam kết đối với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách phối hợp với những người bạn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Malaysia. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với những nước ủng hộ tầm nhìn chung về an ninh, ổn định tại một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới" - ông Verissimo nói thêm.

TRCSG quay trở lại biển Đông giữa lúc căng thẳng ở đó gia tăng liên quan vụ hàng trăm tàu Trung Quốc hiện diện quanh đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo trang Bloomberg, động thái này cho thấy Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của Tổng thống Joe Biden, người cam kết hợp tác với các đồng minh, đối tác ở khu vực để đối phó hành vi của Bắc Kinh.

"Đó là phép thử để xem chính quyền (ông Biden) này sẵn sàng làm gì. Việc Mỹ phản ứng ra sao sẽ quyết định phép thử tiếp theo là gì" - ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành của Trung tâm Tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.

Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây tuyên bố chính quyền ông sẽ thúc ép Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế tại biển Đông và những nơi khác. Bài toán khó ở đây là làm thế nào để phản ứng lại những hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Việc sử dụng tàu đánh cá thương mại được coi là chiến thuật "vùng xám", cho phép Bắc Kinh tuyên bố họ không làm gì sai. Với Mỹ, việc triển khai tàu sân bay hoặc tàu chiến đến gần đá Ba Đầu có nguy cơ bị xem là phản ứng thái quá. Dù vậy, nếu không làm gì, Washington có thể bị xem là mềm yếu.

Biển Hoa Đông cũng là một điểm nóng khác sau khi Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI, trụ sở ở Bắc Kinh) cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ hoạt động ở biển Hoa Đông và tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc hôm 3-4.

Cùng ngày, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản. Tokyo lập tức triển khai tàu khu trục JS Suzutsuki, máy bay tuần tra hàng hải P-1 và máy bay tuần tra chống ngầm P-3C để thu thập thông tin và theo dõi nhóm tàu Trung Quốc.

Theo báo Yomiuri, nỗi lo về hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông là một phần lý do khiến Nhật Bản dự kiến triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-35B đến căn cứ không quân Nyutabaru ở tỉnh Miyazaki để bảo vệ các đảo xa vào năm 2024.

Căn cứ Nyutabaru nằm cách quần đảo Senkaku khoảng 1.030 km về phía Đông Bắc. Quần đảo này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Ông Garren Mulloy, chuyên gia tại Trường ĐH Daito Bunka (Nhật Bản), nhận định chiến đấu cơ F-35B sẽ hoạt động cùng tàu chiến lớp Izumo và những chiến hạm hiện đại hơn sau này nhằm tăng cường năng lực phòng vệ và tấn công ở khu vực Tây Nam.

Nhật Bản tiếp tục lo ngại về luật Hải cảnh Trung Quốc

Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 5-4, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về chuyện tàu tuần duyên Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng biển quanh quần đảo Senkaku, đồng thời thúc giục Bắc Kinh chấm dứt hành động này. Ông Motegi cũng nêu bật mối lo ngại về luật Hải cảnh Trung Quốc, theo đó cho phép tàu hải cảnh nước này bắn những tàu nước ngoài nào được coi là xâm phạm bất hợp pháp các vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trong động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về cuộc điện đàm trên. Cụ thể, tuyên bố chỉ trích các nỗ lực gần đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm phối hợp với các đồng minh đối phó Trung Quốc. Tuyên bố cũng cảnh báo Tokyo không nên tiếp bước Washington trong chuyện trừng phạt Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông (Trung Quốc).

Cảnh báo trên được đưa ra trước khi Tổng thống Joe Biden dự kiến tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Nhà Trắng vào ngày 16-4 tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại