Trung Quốc đang "hủy diệt" bóng đá?

Bảo Nam |

Giải VĐQG Trung Quốc như đang xây một cây cầu bằng tiền, nối bước cho rất nhiều ngôi sao lớn kéo về. Bóng đá sẽ ra sao nếu ngày càng nhiều cầu thủ lớn đến Trung Quốc thi đấu?

1. Sự kiện tiền đạo của ĐT Italia, Graziano Pelle bất ngờ từ Premier League chuyển "hộ khẩu" sang Trung Quốc thi đấu cho Shandong Luneng khiến thế giới choáng váng.

Tạp chí uy tín FourFourTwo giật một cái tít đầy mỉa mai về sự kiện này: "Graziano Pelle vừa ký hợp đồng với một thứ mà anh cho là CLB bóng đá".

Nhưng điều choáng váng hơn cả là mức lương của Pelle, một chân sút thuộc hạng trung bình khá ở Premier League, lên tới 13 triệu bảng/năm. Anh đã đánh bật Wayne Rooney, gia nhập Top 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới.

Trung Quốc đang hủy diệt bóng đá? - Ảnh 1.

Pelle được chào đón ở Trung Quốc.

Trong Top 10 cầu thủ đang hưởng mức lương cao nhất làng túc cầu, có tới 4 cầu thủ đang thi đấu tại Trung Quốc. Họ là Pelle, Hulk (16,5 triệu bảng/năm), Ezequiel Lavezzi (10,5 triệu bảng) và Jackson Martinez (10 triệu bảng).

Trung Quốc, bằng tiềm năng kinh tế khủng khiếp, đang bành trướng với tốc độ không tưởng. Khoảng 3 năm về trước, bóng đá Trung Quốc gần như chỉ là con số 0 trên bản đồ bóng đá thế giới.

Ngày hôm nay, họ kéo được rất nhiều ngôi sao lớn, thậm chí còn đang có được vị trí vững chắc ở những CLB lớn, về thi đấu. Họ lôi kéo được cả những HLV rất có tên tuổi như Sven-Göran Eriksson, Luiz Felipe Scolari và Felix Magath.

Họ ký được những bản hợp đồng hợp tác với các CLB có tiếng tăm ở châu Âu như Man City , Atletico Madrid hay Slavia Prague.

Năm ngoái, hẳn người hâm mộ vẫn nhớ chân sút Sergio Aguero từng chụp ảnh tự sướng bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, nhân chuyến thăm của ông này tới sân Etihad để hoàn tất khoản đầu tư có giá trị lên tới 265 triệu bảng.

Trung Quốc đang hủy diệt bóng đá? - Ảnh 2.

Aguero phấn khích khi làm việc với ông Tập Cận Bình.

Cách đây không lâu, người ta còn chụp được ảnh siêu cò Jorge Mendes và thân chủ nổi tiếng của ông, Jose Mourinho đang có mặt ở Trung Quốc để hoàn tất bản hợp đồng hợp tác với Foyo Culture – một công ty lớn có chủ là một tỷ phú Trung Quốc.

Ngày Mourinho đến Man United, Jorge Mendes cũng đáp máy bay từ Trung Quốc sang Anh làm lễ ký kết.

Thậm chí theo tiết lộ của Mendes, tỷ phú Guangchang còn đang ấp ủ kế hoạch đưa Cristiano Ronaldo sang Trung Quốc thi đấu.

Trung Quốc đang hủy diệt bóng đá? - Ảnh 3.

Ronaldo có thể sang Trung Quốc một ngày không xa?

Chủ tịch Tập Cận Bình từng khẳng định, mục tiêu của Trung Quốc là… đăng cai World Cup trong tương lai. Trong quá khứ, bóng rổ là môn thể thao được yêu thích ở Trung Quốc, nhưng giờ đây, bóng đá đã trở thành môn thể thao vua thật sự.

Từ năm 2011 đến nay, sau khi huyền thoại bóng rổ Yao Ming giải nghệ, toàn bộ tiền của chính phủ Trung Quốc đầu tư cho thể thao đều đổ vào bóng đá.

2. Việc Trung Quốc ấp ủ tham vọng trở thành một giải đấu siêu cường trong tương lai và họ cũng đang đi rất đúng lộ trình liệu có phải là một mối nguy hại cho bóng đá thế giới?

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tờ FourFourTwo lại đầy mỉa mai khi bình luận về sự kiện Pelle sang Trung Quốc thi đấu. Nó cho thấy một xu hướng rất lệch lạc của các cầu thủ:

Thay vì tiếp tục ở lại châu Âu để cọ xát với bóng đá đỉnh cao, họ chạy sang Trung Quốc để làm đầy hầu bao và tự khiến bản thân không còn mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp.

Trung Quốc đang hủy diệt bóng đá? - Ảnh 4.

Nhiều cầu thủ Brazil như Hulk, Ramires tới Trung Quốc và đánh mất phong độ.

Năm ngoái, nhiều CĐV Brazil từng nổi giận khi HLV Carlos Dunga cho gọi những cầu thủ đang chơi bóng tại Trung Quốc như Renato Augusto, Hulk, Gil, Alex Teixeira, Ramires… vào ĐTQG.

NHM Brazil cho rằng, những cầu thủ này không đủ năng lực đá cho ĐT Brazil và thực tế cũng đã chứng minh, họ đúng là đã ở cách khá xa đỉnh cao của bóng đá đẳng cấp thế giới.

Những cầu thủ như Pelle hay trước đó là Ramires, Paulinho, Teixeira hoàn toàn có thể tiếp tục chơi bóng ở châu Âu, nhưng họ đã kéo nhau sang một giải đấu mà ở đó, họ là siêu sao hàng đầu của CLB.

Thi đấu với những đồng đội kém hơn, ngoài chuyện trình độ của cầu thủ cũng kém đi, họ cũng đồng thời mất đi động lực để hoàn thiện bản thân. Trong quá trình phát triển của bóng đá, dừng lại có nghĩa là tụt lùi.

Thế giới bóng đá sẽ ra sao nếu như chúng ta có thêm nhiều Pelle, Hulk, Ramires? Làng túc cầu sẽ thảm thương đến nhường nào nếu như cầu thủ chọn tiền thay vì sự nghiệp, đam mê?

Trung Quốc đang hủy diệt bóng đá? - Ảnh 5.

Antoine Griezmann là Vua phá lưới Euro 2016 với 6 bàn thắng.

Một CLB như Atletico Madrid sẽ không thể trả lương cho cầu thủ cao như các CLB Trung Quốc. Nhưng đá ở Atletico thì mới có Antoine Griezmann rực sáng ở sân chơi EURO. Vì anh được cọ xát với bóng đá đỉnh cao để tự ý thức rằng, luôn phải hoàn thiện bản thân.

Hãng tin BBC từng viết: Bóng đá sẽ thay đổi mãi mãi nếu cầu thủ chạy theo đồng tiền. Và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình thay đổi đó.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại