"Các nhà bình luận phương Tây có thể bóp méo thông điệp này và hiểu sai nó như là một thách thức cũng như một nỗ lực phô trương sức mạnh. Trọng tâm sẽ đặt vào các ngư lôi, tên lửa và tàu ngầm, nhưng sẽ không có gì để nói về những nhiệm vụ và thành tựu của chúng tôi trong phát triển, mặc dù phần lớn thông điệp đã giải quyết chính xác những vấn đề này", chuyên gia Ivan Timofeyev nói.
"Ngoài ra, thông điệp liên bang này có chứa một vài gợi ý mà các đối tác phương Tây có thể sử dụng để tăng cường hợp tác, miễn là họ có mong muốn sử dụng những gợi ý này", ông nói thêm.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu Thông điệp liên bang trước lưỡng viện Quốc hội hôm 1.3, trong đó cho biết tên lửa hành trình tiên tiến được trang bị thiết bị hạt nhân đã được thử nghiệm cuối năm ngoái.
Trên màn hình lớn, ông đã công bố một video mô phỏng hành trình của tên lửa. Trong các đoạn video sau, tên lửa có khả năng bay ở độ cao thấp trên địa hình gồ ghề và mặt nước và bao trùm một khoảng cách lớn.
Chuyên gia Timofeyev tin rằng Mỹ sẽ tìm cách sử dụng thông điệp của lãnh đạo Nga như một cái cớ cho chính sách hiện tại của chính quyền Donald Trump.
"Trong học thuyết hạt nhân của Mỹ, việc gia tăng và nâng cấp các lực lượng hạt nhân được xem như mối đe dọa từ Nga. Do đó, những kẻ hiếu chiến sẽ sử dụng thông tin được công bố trong bài phát biểu hôm 1.3 làm các lập luận về tiềm năng thực sự của Nga", ông nói.
Theo quan điểm của chuyên gia RIAC, các đảng viên Cộng hòa sẽ sử dụng năng lực quân sự mà Nga công bố để hỗ trợ cho lời kêu gọi gia tăng ngân sách quân sự.
Đồng thời, ông nói thêm, Nga và Mỹ đang quan tâm đến một cuộc đối thoại về ổn định chiến lược.
"Sự trỗi dậy của các vũ khí và công nghệ mới vượt xa phạm vi của quy tắc về kiểm soát vũ trang hiện tại. Vì thế, Washington và Matxcơva, chưa kể đến các đối tác Châu Âu, quan tâm đến một cuộc đối thoại chân thành và cởi mở về chủ đề này", ông nói.
Chuyên gia Timofeyev nói thêm: "Đáng tiếc là kinh nghiệm về quan hệ quốc tế cho thấy con đường dẫn đến một cuộc đối thoại như vậy thường chông gai".