Trung Quốc công bố số liệu thu nhập, dân kêu thổi phồng quá đà

Song Hy |

Thống kê về thu nhập bình quân đầu người của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới được công bố khiến dư luận nước này một phen dậy sóng.

Chủ đề "GNI bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 9.372 USD trong năm 2018" đang thu hút sự quan tâm của người dùng mạng xã hội , với hơn 200 triệu lượt theo dõi trên nền tảng Weibo của Trung Quốc tính đến ngày 3/7, tức là chưa đầy 2 ngày sau khi dữ liệu được công bố. Hàng loạt bình luận đặt câu hỏi "tại sao tôi lại không giàu như vậy?".

Trước đó, theo dữ liệu được NBS công bố hôm 1/7, Thu nhập quốc dân (GNI) theo đầu người của Trung Quốc trong năm 2018 là là 9.372 USD (hơn 218 triệu đồng). Tuy nhiên nhiều cư dân mạng khẳng định con số này có phần thổi phồng và mức thu thập của họ thấp hơn nhiều so với với con số NBS đưa ra.

Nhiều ý kiến nghi ngờ các nhà thống kê đã đánh giá quá cao tình trạng kinh tế hiện tại của Trung Quốc.

Cơn bão ý kiến này khiến NBS mới đây phải đưa bình luận về số liệu mà họ cung cấp. Theo lý giải của Cục này, GNI bình quân đầu người luôn cao hơn thu nhập khả dụng theo đầu người. NBS cũng nhấn mạnh GNI theo đầu người của Trung Quốc cao hơn mức trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới và Trung Quốc là "quốc gia đang phát triển" lớn mạnh nhất thế giới.

Theo SCMP, nền kinh tế thứ 2 thế giới nhiều năm qua đang bị cuốn vào mâu thuẫn giữa 2 thái cực mà họ tự đặt ra. Một mặt, Bắc Kinh nói với người dân rằng Trung Quốc giàu hơn và mạnh hơn dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản.

Mặt khác, họ khẳng định mình vẫn là một quốc gia đang phát triển có công đặc biệt trong các thỏa thuận thương mại, kêu gọi người dân nỗ lực hết mình để giúp đất nước tiến bộ.

Một quan chức giấu tên của Trung Quốc thừa nhận với SCMP rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiệm vụ khá tế nhị là phải miêu tả mình như một quốc gia hùng mạnh trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10-2019) nhưng tránh cường điệu quá mức cũng như đánh động sự chú ý của các quốc gia khác.

"Chúng tôi cần làm nổi bật những thành tựu trong 70 năm qua để khơi gợi niềm tự hào dân tộc, nhưng không cường điệu quá đà, tránh lập lại trường hợp của 'Amazing China'", ông này cho biết.

Amazing China là bộ phim tài liệu phác họa ngắn gọn các thành tựu của Trung Quốc về khoa học , công nghệ , quân sự kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Nó được trình chiều đầu năm 2018 nhưng bị gỡ bỏ khỏi tất cả các rạp trên toàn quốc vào cuối tháng 4 với lý do cường điệu hóa sức mạnh của Trung Quốc.

Quan chức này nói thêm rằng khoảng cách giàu nghèo và sự chia rẽ trong xã hội cũng đang làm phức tạp thêm các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc quảng bá hình ảnh về một Trung Quốc "nguyên khối" đang trỗi dậy theo đúng cách.

Nghiên cứu được công bố hồi cuối tháng 3 của các học giả Viện Brookings cho thấy quy mô nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn 12% so với con số chính thức trong khi tốc độ tăng trưởng những năm gần đây bị "bơm" lên khoảng 2%.

Nhiều chuyên gia tin rằng tồn tại việc Trung Quốc thổi phồng quá mức các con số tăng trưởng là để nhằm chứng minh nền kinh tế của họ vẫn đang sống khỏe trước sức ép của Mỹ trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Theo thống kế của Ngân hàng thế giới, GNI theo đầu người của Trung Quốc tăng 9,7% trong năm 2018. Con số này tiệm cận với mức cao nhất của các nước có mức thu nhập trung bình.

Ngân hàng thế giới định nghĩa các quốc gia có thu nhập trung binh là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 1.006 đến 12.235 USD. Trung Quốc nằm trong nhóm các nước cao nhất trong nhóm này mặc dù vẫn chưa bằng 1/6 của Mỹ.

Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc nhiều năm qua vẫn nhất quyết thừa nhận chỉ là một nước đang phát triển trong WTO.

Các nước đang phát triển được hưởng các quyền lợi đặc biệt và khác biệt như được miễn các yêu cầu tự do hóa thương mại nhất định, duy trì các chính sách bảo hộ về thuế quan và trợ cấp nông nghiệp trong các cuộc đàm phán thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể áp đặt mức thuế quan cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn.

Tuy nhiên, Mỹ khẳng định việc WTO cho Trung Quốc hưởng các đặc quyền nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển là phi lý. Washington cho rằng các ưu đãi mà Trung Quốc đang được hưởng giúp nước này trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và là nhân tố tạo điều kiện cho Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn đặt chân vào thị trường của nước này.

"Quốc gia đã hạ cánh được cả tàu vũ trụ xuống vùng tối của Mặt Trăng nhưng lại muốn được đối xử giống như những nước thành viên nghèo nhất của WTO", Dennis Shea, đại sứ Mỹ tại WTO phát biểu tại trụ sở Geneva hồi đầu tháng 3.

GNI là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian, thường là một năm. Đây là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia. Thu nhập quốc dân tương tự như Tổng sản lượng quốc gia – GNP, chỉ khác biệt ở chỗ GNP không trừ đi thuế gián thu và khấu hao.

GNI bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong quốc gia (chính là Tổng sản phẩm nội địa - GDP), cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài (chủ yếu là lãi vay và cổ tức), trừ đi những khoản tương tự phải trả ra bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại