Trung Quốc công bố lạm phát cao nhất 2 năm

TRUNG MẾN |

Tình hình giá cả hàng hóa, đặc biệt thịt lợn và rau, tăng cao trên toàn cầu và nội địa đã khiến cho lạm phát Trung Quốc tăng mạnh.

Tình hình giá cả hàng hóa, đặc biệt thịt lợn và rau, tăng cao trên toàn cầu và nội địa đã khiến cho lạm phát Trung Quốc tăng mạnh.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 9/2022 tăng mạnh nhất trong 2 năm, theo số liệu mới công bố vào ngày thứ Sáu. Đáng chú ý, thông tin về lạm phát tiêu dùng tăng nhanh tại Trung Quốc được công bố chỉ vài ngày trước thềm sự kiện chính trị vô cùng quan trọng tại Trung Quốc, nơi mà các vấn đề kinh tế sẽ đặc biệt được quan tâm.

Theo Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố mới đây, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 9/2022 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 2,5% trong tháng 8/2022.

Số liệu lạm phát mới nhất được công bố sau khi thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày thứ Sáu đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung suy giảm và các biện pháp không COVID-19 của Trung Quốc vẫn tiếp tục được áp dụng. Gần đây, chính sách không COVID-19 của Trung Quốc vẫn tiếp tục tạo ra các khu vực phong tỏa tại nhiều thành phố lớn gây tổn hại đến niềm tin tiêu dùng và sản xuất.

Từ Chủ Nhật tuần này, sự kiện chính trị quan trọng nhất nhiều năm tại Trung Quốc sẽ chính thức bắt đầu. Vấn đề kinh tế tăng trưởng yếu đi sẽ được quan tâm nhiều trong sự kiện quan trọng nhằm lựa chọn ra nhà lãnh đạo mới cho Trung Quốc cũng như định hình chính sách cho 5 năm tới tại nước này.

Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 9/2022 như vậy cao nhất tính từ tháng 4/2020, tỷ lệ này vượt quá mức trần 3% của chính phủ Trung Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ việc chi phí thực phẩm leo thang, trong đó nổi bật nhất phải kể đến giá thịt lợn tăng dù rằng chính phủ Trung Quốc đã cố gắng bình ổn giá cả tại thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.

Chuyên gia tại Capital Economics, ông Huang Zichun, phân tích: “Giá thịt lợn tăng sau khi những người nông dân giảm giết mổ lợn bởi lợi nhuận thu về quá thấp”.

Trong tháng 9/2022, giá cả thực phẩm tăng 8,8%, nguyên nhân chính do giá thịt lợn tăng đến 36% còn giá rau tăng đến 12,1%.

Tuy nhiên lạm phát lõi tại Trung Quốc, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng chỉ 0,6% sau khi tăng 0,8% trong tháng 8/2022.

“Khi mà tình hình kinh tế nội địa Trung Quốc yếu đi, chỉ số giá sản xuất giảm, lạm phát lõi đi xuống, khả năng lạm phát tại Trung Quốc leo thang hiện tại chưa lớn”, Capital Economics nhấn mạnh.

Lạm phát chi phí tại các nhà máy, chỉ số giá cả chính thức tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 2,3% của tháng 8/2022, nguyên nhân chính do giá dầu giảm.

Số liệu trên được công bố khi mà thế giới đang quan tâm đến sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và đặt câu hỏi về khả năng Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ nhất thế giới sau khi sự kiện chính trị quan trọng sắp tới kết thúc.

Dù rằng các biện pháp kiểm soát COVID-19 gây tổn hại đến nền kinh tế, truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tuần qua khẳng định về việc sẽ không có khả năng nới lỏng chính sách không COVID-19. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc áp dụng các biện pháp chặt chẽ này chính là nguyên nhân lý giải cho việc tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Trung Quốc thấp.

Các chuyên gia kinh tế và tổ chức tài chính đã không ngừng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay, rất ít chuyên gia kinh tế dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng đạt mốc khoảng 5%.

Vào ngày thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay và năm 2023 xuống còn lần lượt 2,3% và 4,4%, nguyên nhân chính do những tác động từ các biện pháp phong tỏa do COVID-19.

Theo MarketTimes, tại Trung Quốc, chính quyền các địa phương đang đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để ngăn chặn đà lao dốc của lĩnh vực bất động sản, sau khi lãi suất thế chấp giảm và một loạt các biện pháp nới lỏng chưa phát huy hiệu quả.

Bloomberg dẫn nguồn tin từ Securities Times cho biết, chính quyền ở một số địa phương của Trung Quốc đang mua nhà với số lượng lớn từ các nhà phát triển hoặc khuyến khích các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đưa ra động thái tương tự. Mục đích là để hỗ trợ thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái trì trệ.

Chính quyền thành phố Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô, có kế hoạch mua khoảng 10.000 căn hộ mới. Trong khi đó, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đề xuất mua 3.000 căn hộ để cho thuê, theo một thông báo của chính quyền địa phương. Thông tin này đã được các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin nhưng không còn được đăng tải trên trang web của chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại