Báo cáo phân tích đầy đủ sự hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương qua 5 khía cạnh: chi phí, hoạt động quân sự, các liên minh, các lợi ích tại Biển Đông và trao đổi quân sự với Trung Quốc.
Theo báo cáo, ngân sách quốc phòng dự kiến của Mỹ trong tài khóa 2016 là 585,3 tỷ USD, tăng 4% so với tài khóa trước. Trong khi đó, ngân sách đề xuất cho năm 2017 là 583 tỷ USD, gần như ngang bằng năm nay. Vào năm 2015, Mỹ có 368.000 quân nhân đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tương đương hơn 1 nửa tổng số lực lượng quân sự Mỹ ở nước ngoài.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông (NISCS) Ngô Sĩ Tồn nhận định:
"Mỹ đã theo đuổi chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2010. Hoạt động quân sự của họ trong khu vực kể từ đó đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Vì vậy chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ là tài liệu tham khảo cho cộng đồng quốc tế để nghiên cứu về sự hiện diện quân sự của Mỹ và tình hình an ninh tương lai trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông".
Về khả năng thay đổi dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Ngô cho hay: "Rút khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một khả năng khó xảy ra với Mỹ. Điều này không phù hợp với lợi ích kinh tế và chính trị của họ trong khu vực. Vì vậy tôi tin rằng sẽ không có sự thay đổi đáng kể với tình hình an ninh khu vực trong tương lai gần".
"Nhưng những rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông sẽ tiếp diễn. Căng thẳng tại Biển Đông có trở nên nghiêm trọng hơn hay không sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ".
Báo cáo nhấn mạnh, dù các bất đồng và thử thách sức mạnh giữa hai quân đội tại Biển Đông và Biển Hoa Đông có gia tăng, thì điều này không làm gián đoạn cơ chế đối thoại cấp cao song phương. Hai nước cần nhìn toàn cục và nhận ra rằng lợi ích chung giữa hai bên có giá trị hơn nhiều những bất đồng.