Chỉ vài phút sau khi quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ có hiệu lực, Bộ Thương mại Trung Quốc phát đi thông báo nói lấy làm tiếc về quyết định của Washington và cho biết sẽ có biện pháp đáp trả.
Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tại cuộc họp báo thường kỳ nhấn mạnh Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng các biện phép đáp trả khi quyết định áp thuế bổ sung của Mỹ có hiệu lực từ ngày 10/5.
"Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ, đồng thời có quyết tâm và năng lực bảo vệ quyền lợi của mình nếu chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang", ông Cao nhấn mạnh.
Nhiều tờ báo Mỹ cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không nói suông và trên thực tế họ đang nắm trong tay những vũ khí lợi hại để đáp trả động thái làm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới nhất của Washington.
Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các lựa chọn của Bắc Kinh sẽ gây "đau đớn" cho nền kinh tế Trung Quốc tương đương với sức sát thương mà họ gây ra với Mỹ qua các đòn trả đũa.
Áp đặt thuế quan ngược lại Mỹ
Giống như mùa Thu năm 2018, Trung Quốc có thể tăng thuế ngược trở lại hàng hóa Mỹ. Hồi tháng 8/2018, Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đáp trả quyết định áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo New York Times, Trung Quốc cũng có thể hồi sinh các rào cản nhập khẩu nhắm vào một số mặt hàng mà nước này có sức mua lớn từ Mỹ như ô tô, xe thể thao đa dụng do Mỹ sản xuất, đặc biệt là đậu nành, mặt hàng nông nghiệp Mỹ xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Bắc Kinh cũng có thể áp mức thuế quan mới đối với 1/3 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chưa từng bị nâng thuế đáp trả như chất bán dẫn hoặc các máy bay của Boeing. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc cần chất bán dẫn và họ không có nhiều sự lựa chọn ngoài các nhà cung cấp tới từ Mỹ.
Nâng thuế với máy bay của Boeing cũng nan giải tương tự. Nó sẽ buộc các hãng hàng không Trung Quốc chuyển sang mua máy bay của Airbus. Nhưng gã khổng lồ đang cạnh tranh khốc liệt này với Boeing thậm chí có thể sẽ đưa ra một cái giá cao hơn nhiều.
"Vũ khí hóa" người tiêu dùng
Chính phủ Trung Quốc rất có sức ảnh hưởng tới người dân nước họ. Vậy nên việc yêu cầu công dân ngừng mua hàng Mỹ hay đi du lịch tới đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bắc Kinh.
Hoàn toàn không phải hoài nghi điều này nếu nhìn vào trường hợp của Hàn Quốc sau khi Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên, động thái mà Bắc Kinh cáo buộc là đe dọa an ninh của Trung Quốc và gây bất ổn trong khu vực. Gần như ngay sau cáo buộc của chính phủ, hàng loạt siêu thị có chủ đầu tư Hàn Quốc tuyên bố phá sản, các công ty xe hơi của Hàn Quốc mất dần thị trường ở Trung Quốc.
"Không có lệnh cấm, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cần 'đánh tiếng', sau đó các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ đưa ra những thông báo nhất định và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất dần thị phần. Điều này hoàn toàn có thể xảy đến với McDonald hoặc Burger King", ông Gerardo Zamorano, Giám đốc Bộ phận đầu tư tại Brandes Investment Partners cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu cuộc tẩy chay dẫn tới một cuộc biểu tình chống Mỹ trên đường phố, khả năng Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận với Mỹ sẽ càng trở nên xa vời. Một cuộc tẩy chay như vậy cũng có thể làm tổn thương người tiêu dùng Trung Quốc vì hạn chế lựa chọn của họ và ảnh hưởng không nhỏ tới kế sinh nhai của các lao động Trung Quốc lắp ráp các ô tô mang nhãn hiệu Mỹ hay Iphone.
Những bất lợi đó có thể sẽ khiến Bắc Kinh cẩn trọng khi tính tới chuyện kêu gọi bài trừ hàng Mỹ. Nhưng nếu không dùng ảnh hưởng từ người dân, Trung Quốc vẫn có thể tìm cách gây khó khăn cho các công ty Mỹ muốn rút tiền mặt ra khỏi Trung Quốc bởi việc chuyển tiền cần phải được chấp thuận và chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thao túng quá trình này.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể gây khó dễ đối với các công dân Mỹ trong việc cấp thị thực, gia tăng gánh nặng pháp lý đối với công ty Mỹ, đánh thuế lên một số doanh nghiệp hay triển khai các cuộc điều tra về chống độc quyền.
Phá giá đồng nhân dân tệ
Nếu Trung Quốc muốn làm Tổng thống Trump đau đầu và đáp trả sòng phẳng Mỹ, đây có thể là phương án hợp lý nhất bởi “tiền tệ là đòn bẩy hiệu quả nhất để bù đắp cho tác động của hàng rào thuế quan”, theo Salman Baig, một nhà quản lý đầu tư tại công ty Unigestion có trụ sở tại Geneva.
Việt Nam sẽ là "vịnh tránh bão" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Ông Baigs cho rằng Trung Quốc có thể dùng nhiều biện pháp để giảm giá đồng nhân dận tệ, nhưng Bắc Kinh cũng không nhất thiết phải tự làm điều này bởi đồng nội tệ giảm giá là hệ quả tự nhiên khi áp đặt hàng rào thuế quan. Một khi Mỹ đánh thuế càng lớn thì đồng Nhân dân tệ cũng sẽ tự giảm.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh cũng không quá mặn mà với biện pháp này bởi phá giá đồng NDT sẽ đẩy dòng vốn dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ khiến niềm tin trong nước bị lung lay và có thể khiến chính quyền Trump càng thêm tức giận.
Thậm chí theo New York Times, phá giá đồng NDT sẽ mang tới rủi ro lớn hơn tất cả các biện pháp đáp trả còn lại. Nó sẽ khiến giá dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác trở nên đắt đỏ hơn, kéo theo lạm phát của Trung Quốc vốn đang ở mức cao sẽ còn cao hơn. Nhiều công ty và các cá nhân sẽ đồng loạt chuyển tiền của họ ra nước ngoài làm mất ổn định hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất với khoảng 1.000 tỷ USD theo thống kê năm 2017.
Giống như hầu hết các nhà đầu tư, Trung Quốc muốn giữ những "đồng bạc xanh" theo một cách an toàn như một nguồn đầu tư vững chắc.
Tuy nhiên, một khi bị ép vào đường cùng, Bắc Kinh hoàn toàn có thể bán hoặc ngừng mua trái phiếu của Mỹ. "Điều đó chẳng khác nào một quả bom hạt nhân dội xuống kinh tế Mỹ", bà Kristina Hooper, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của công ty Invesco nhận định.
Khi Trung Quốc bán ồ ạt trái phiếu Mỹ, lợi suất trái phiếu có thể sẽ bị đẩy lên một mức rất cao. Lúc này, những người nắm trong tay trái phiếu Chính phủ Mỹ ở khắp nơi bao gồm cả chính phủ và người dân Mỹ sẽ chứng kiến cảnh giá trị trái phiếu của họ lao dốc. Việc lợi suất trái phiếu bị nâng cao cùng với đó buộc chính phủ Mỹ phải vay tiền với lãi suất cao hơn.
Ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ có thể là một trong các biện pháp đáp trả mà Trung Quốc sẽ cân nhắc. (Ảnh: Wall Street Journal)
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không áp dụng phương án này. Một phần vì Bắc Kinh nếu làm vậy sẽ tự làm giảm giá trị trái phiếu họ đang nắm giữ, một phần vì họ cũng không có lựa chọn thay thế an toàn cho đồng USD.
Các lựa chọn khác
Trung Quốc có thể trì hoãn nhập khẩu từ Mỹ thông qua việc thắt chặt kiểm tra hải quan, điều họ từng làm với dòng xe thể thao đa dụng Lincoln của Công ty Ford Motor cũng như táo, cam, anh đào của nông dân Mỹ hay tăng cường các đợt thanh tra giấy phép kinh doanh và hoạt động.
Nếu Trung Quốc muốn "chơi lớn", họ cũng có thể cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc đang chế tạo nhiều bộ phận và linh kiện mà các công ty Mỹ cần đề sản xuất thành phẩm của họ. Nhiều công ty Mỹ từng đề nghị giới chức nước này ngừng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm này.
Hồi tháng 9/2018, Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính của Trung Quốc từng đưa ra đề xuất chặn xuất khẩu một số sản phẩm này. Tuy nhiên, điều này sẽ phá vỡ các chuỗi cung ứng, làm tổn hại vĩnh viễn danh tiếng của Trung Quốc với các đối tác khác của họ ở phương Tây.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc không thiếu các biện pháp đáp trả sòng phẳng. Chỉ có điều, tất cả đều tiềm ẩn rủi ro lớn. Một số nhà phân tích nhận định cách Trung Quốc phản ứng trong những ngày tới cũng sẽ phụ thuộc không nhỏ vào những gì đã diễn ra ngày hôm nay và sẽ diễn ra vào ngày mai trên bàn đám phán Mỹ-Trung tại Washington.