Trung Quốc chuẩn bị đẩy mạnh cuộc chiến đất hiếm với Mỹ, giành thế áp đảo toàn cầu

Trung Hiếu |

Trung Đông có dầu mỏ còn Trung Quốc có đất hiếm - vật liệu thiết yếu đối với các công nghệ mũi nhọn hiện nay. Trung Quốc ý thức rõ lợi thế này của mình và đang có kế hoạch đảm bảo an ninh đất hiếm để thống trị nguồn cung toàn cầu và gây sức ép lên Mỹ trong cuộc cạnh tranh giữa 2 nước.

Công nhân vận chuyển đất chứa thành phần đất hiếm dùng để xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Công nhân vận chuyển đất chứa thành phần đất hiếm dùng để xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chiến lược đất hiếm của Trung Quốc

Nội bộ Trung Quốc đang hối thúc nước này phải tạo ra một cơ chế liên kết các cơ quan trong việc đảm bảo nguồn cung các loại khoáng sản trọng yếu sử dụng làm công cụ gây ảnh hưởng địa chính trị trước Mỹ và các đồng minh của họ trong bối cảnh toàn cầu hướng tới năng lượng xanh.

Các chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Nhà Trắng về đất hiếm cho hay, cơ chế được đề xuất ở Trung Quốc có thể sẽ giống một hệ thống tương tự ở Mỹ mà tại đó, giới chức thương mại, năng lượng, chính sách đối ngoại và liên bang cùng tham gia thiết kế và thực thi các chiến lược về khoáng sản trọng yếu.

Đề xuất nói trên nằm trong một nghiên cứu của một nhóm 3 thành viên với người đứng đầu là Yu Hongyuan - giáo sư, giám đốc Viện Chính sách công và chính trị học so sánh tại Viện Quốc tế học Thượng Hải.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thế giới cần thêm lượng khoáng sản vào năm 2040 nhiều gấp 6 lần hiện nay nếu muốn đạt mục tiêu phát thải "net zero" vào năm 2050 (net zero có nghĩa là lượng khí thải phát ra sẽ phải ở mức vừa đủ và được triệt tiêu bằng các biện pháp tự nhiên hoặc nhân tạo - ND). Áp lực này đang thúc đẩy cuộc đua giữa các cường quốc toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc), trong việc tiếp cận các loại khoáng sản quý hiếm nói trên.

Trung Quốc hiện đang thống trị đáng kể các nguồn cung toàn cầu về các loại khoáng sản quý hiếm, bao gồm các loại đất hiếm thiết yếu đối với các công nghệ năng lượng sạch then chốt như xe điện và turbine gió.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng khi Mỹ thúc đẩy các nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Giải pháp của Mỹ bao gồm các quy định chặt chẽ hơn về đầu tư và bảo vệ môi trường ở các nước giàu tài nguyên.

Phân tích của nhóm Yu Hongyuan cho hay: "Với sự gia tăng xung đột ở các khu vực giàu tài nguyên và sự xuất hiện các quy tắc thương mại mới về tài nguyên, các nguồn khoáng sản chiến lược của Trung Quốc hiện bị kẹt trong một môi trường quốc tế ngày càng bất ổn hơn".

Ngoài ra, cạnh tranh kỹ thuật gia tăng đã thúc đẩy Mỹ cấm các công ty của mình xuất khẩu các công nghệ then chốt sang Trung Quốc và điều này đã bóp nghẹt thêm các nỗ lực của Bắc Kinh muốn nâng cấp ngành khai khoáng của mình, theo báo cáo được tạp chí Quan hệ Quốc tế Đương đại xuất bản.

Tạp chí trên thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - cơ quan nghiên cứu có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này ở Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: "Trung Quốc nên tăng cường chiến lược quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn cung khoáng sản trọng yếu và xây dựng một chiến lược quốc gia dựa trên các mối quan hệ quốc tế mới, điều chỉnh cấu trúc kinh tế nội địa, Quan hệ đối tác Xanh Trung Quốc-EU, và Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược chủ chốt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu và mạng lưới thương mại giữa Trung Quốc với Trung Á, Trung Đông, châu Âu, và châu Phi.

Báo cáo có đoạn: "Đặc biệt, Trung Quốc cần thúc đẩy sự bền bỉ của chuỗi cung ứng của riêng mình. Trước tiên, Trung Quốc có thể học từ Mỹ, thiết lập một cơ chế điều phối liên cơ quan tương tự như cơ chế giữa các bộ thương mại, nội vụ và năng lượng của Mỹ, cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ".

Các khoáng sản trọng yếu được xem là thiết yếu đối với an ninh kinh tế và an ninh quân sự, cũng như đối với công nghệ năng lượng sạch. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, các khoáng sản này đang trở thành mặt trận tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc là nước xuất khẩu chính của ít nhất 32 trong tổng số 50 mặt hàng khoáng sản mà Cục Khảo sát Địa chất Mỹ coi là khoáng sản trọng yếu.

Trung Quốc đã thống trị phần lớn hoạt động tinh luyện và chế biến các khoáng sản trọng yếu trên toàn cầu và đã đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng của riêng mình.

Trái lại, Mỹ phụ thuộc nặng nề vào các nguồn nhập từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đối với các khoáng sản trọng yếu được sử dụng trong mọi thứ từ các tấm pin năng lượng mặt trời và turbine gió cho đến các ắc quy lớn dành cho xe điện và thậm chí các máy bay tiêm kích.

Đối sách của Mỹ

Cuộc chiến thương mại 2018 đã khiến Mỹ quan ngại sâu sắc rằng Trung Quốc có thể lái việc kiểm soát các khoáng sản trọng yếu theo hướng phục vụ các mục tiêu chiến lược và kể từ đó họ đã tìm kiếm thúc đẩy nguồn cung từ những nơi khác.

Hồi tháng 6/2021, Nhà Trắng đã vạch ra một kế hoạch mà theo đó các cơ quan liên bang của Mỹ được định hướng tăng cường sản xuất nội địa hoặc liên doanh với bên ngoài và năng lực chế biến, nhằm "tăng mức độ dẻo dai của các chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược và trọng yếu".

Do năng lực sản xuất nội địa của Mỹ là có giới hạn nên nhiều khả năng nước này phải đi tìm các đồng minh nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ không có Trung Quốc, theo các tác giả của nhóm nghiên cứu.

Cũng có khả năng, Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động lên các hãng khai khoáng toàn cầu, trong đó có nhiều hãng đặt trụ sở ở Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ, thông qua viện trợ, quan hệ đối tác, và phát triển chung.

Các tác giả cho biết thêm: "Mỹ và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng cường sự điều phối giữa họ thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương... để vẽ ra các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, và minh bạch nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi các tiêu chuẩn chủ lưu về chuỗi cung ứng khai khoáng toàn cầu".

Họ dự báo: "Cuộc đối đầu của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu trong phát triển ngành khai khoáng ở một nước thứ ba... có khả năng sẽ gia tăng mức độ quyết liệt".

Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình trong lĩnh vực này. Mỹ đã ký kết các thỏa thuận về cung ứng khoáng sản trọng yếu với các nước giàu tài nguyên là Australia và Canada.

Trong báo cáo hồi tháng 3/2021, tổ chức nghiên cứu Polar Research and Policy Initiative có trụ sở ở London đã khuyến cáo rằng liên minh tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Anh, Canada, New Zealand, và Mỹ) có thể thăm dò tính khả thi của việc lấy các khoáng sản trọng yếu, đặc biệt là đất hiếm, từ Greenland.

Năm nay, Australia - nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất sau Trung Quốc, sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng năng lượng sạch đầu tiên của nhóm Bộ Tứ - liên minh an ninh 4 bên gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản mà Trung Quốc tố là một phần trong chiến lược kiềm chế của Mỹ.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hồi tháng 9/2021 nói rằng hội nghị thượng đỉnh này có mục đích phát triển một lộ trình xây dựng chuỗi cung ứng như vậy ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã từ lâu nhận thức được tầm quan trọng của các mặt hàng khoáng sản. Từ tận năm 1992, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã tuyên bố: "Trung Đông có dầu mỏ còn Trung Quốc có đất hiếm". Ông Đặng khi ấy đề cập một bộ 17 loại khoáng sản thiết yếu cho nhiều ngành công nghệ mới nổi.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các trợ lý kinh tế của mình vào năm 2019 tới thăm thành phố Cám Châu - một trung tâm sản xuất đất hiếm và nam châm lớn, nhiều người tin rằng chuyến đi này là tín hiệu về việc đất hiếm có thể được sử dụng làm đòn gây ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Tháng 12/2021, Trung Quốc công bố họ đang sáp nhập 3 công ty khoáng sản quốc doanh để lập ra đại Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc với năng lực kiểm soát hơn 1/3 ngành khai khoáng đất hiếm của quốc gia này và được kỳ vọng thúc đẩy thế thống trị của Trung Quốc đối với nguồn cung đất hiếm toàn cầu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại