Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan nhưng loại quả này của Việt Nam đang sở hữu "vũ khí bí mật" để thách thức vị thế thống trị

Linh Anh |

Theo một bài viết trên SCMP, việc Việt Nam tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo đường bộ mang lại lợi thế lớn về chi phí, tạo đà để thách thức vị thế thống trị của sầu riêng Thái Lan ở thị trường hấp dẫn nhất thế giới với loại quả này.

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan nhưng loại quả này của Việt Nam đang sở hữu vũ khí bí mật để thách thức vị thế thống trị - Ảnh 1.

SCMP dẫn thông tin từ báo chí Việt Nam cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 95% số sầu riêng sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Thời gian gần đây, loại quả này trở thành trái cây nhiệt đới được tầng lớp trung lưu Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn đang dẫn đầu trong mảng này.

Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bằng cách sử dụng các chuyến hàng qua biên giới bằng đường bộ, giúp giảm thiểu đáng kể chi phí. SCMP nhận định, đây là vũ khí bí mật để giá sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn, qua đó thách thức vị thế thống trị của sầu riêng Thái Lan trên thị trường Trung Quốc.

Các chuyến hàng xuất khẩu qua đường bộ đã tăng mạnh kể từ khi Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng Việt Nam từ một năm trước. Chỉ riêng nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng sầu riêng trị giá 876 triệu USD, trong đó 835 triệu USD là sang Trung Quốc.

Jack Nguyen, đối tác của công ty tư vấn kinh doanh Mazars tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc vận chuyển sầu riêng qua các cửa khẩu ở miền bắc giúp tiết kiệm một khoản chi phí lớn và được phản ánh vào giá sản phẩm bán lẻ. Việc vận chuyển bằng đường bộ còn có lợi thế là khối lượng lớn và dễ dàng hơn.

Ngoài ra, tiềm năng từ sầu riêng xuất khẩu bằng đường bộ của Việt Nam cũng thúc đẩy các thành phố biên giới của Trung Quốc cải thiện dịch vụ hậu cần thương mại. Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan biên giới kể từ tháng 1/2022, thời điểm mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực có hiệu lực.

Thỏa thuận thương mại này gồm 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Thỏa thuận này có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy thương mại sầu riêng do thuế thấp hơn và thủ tục thông quan được đơn giản hóa.

Trong khi đó, nhu cầu với sầu riêng của Trung Quốc đang ngày càng tăng cao, mang lại lợi ích to lớn cho các nước xuất khẩu của ASEAN. Hiện tại, sầu riêng đang được tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng, coi là món quà cao cấp, đặc biệt là biếu bố mẹ vợ/chồng tương lai. Trung Quốc cũng đang trồng sầu riêng nhưng sản lượng tương đối nhỏ so với khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu sầu riêng nhiều nhất khu vực và Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu bằng đường bộ và đường biển, sầu riêng Thái Lan cần tối thiểu 4 ngày mới có thể tới được Trung Quốc.

Tham khảo: SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại