Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều tài sản nhất thế giới.
Cụ thể, báo cáo của hãng tư vấn McKinsey Global Institute tại Zurich-Thụy Sĩ với 10 quốc gia giàu nhất thế giới, đại diện cho hơn 60% GDP toàn cầu cho thấy tổng tài sản toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua với sự dẫn đầu của Trung Quốc.
"Toàn thế giới đang ở giai đoạn giàu có, nhiều của cải chưa từng thấy", chuyên gia Jan Mischke của McKinsey nhận định.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giá trị tài sản trong 20 năm qua (nghìn tỷ USD)
Của cải toàn cầu đã tăng từ 156 nghìn tỷ USD năm 200 lên 514 nghìn tỷ USD và Trung Quốc chiếm 1/3 trong số tăng trưởng đó. Tổng tài sản mà Trung Quốc nắm giữ đã tăng từ gần 7 nghìn tỷ USD năm 2000, thời điểm nước này mới gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), lên 120 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, tổng tài sản mà Mỹ nắm giữ chỉ tăng gấp đôi lên 90 nghìn tỷ USD.
Báo cáo của McKinsey cho thấy tại cả 2 nền kinh tế thế giới, hơn 2/3 số của cải lại chỉ được nắm giữ bởi 10% số người giàu nhất và tỷ lệ tài sản nắm giữ này vẫn đang tăng lên.
Ngoài ra, McKinsey cho biết 68% của cải thế giới đang được tích trữ trong thị trường bất động sản. Bởi vậy McKinsey cho biết việc lãi suất thấp đã thúc đẩy thị trường bất động sản tăng nóng trong 2 năm qua, khiến tổng tài sản toàn cầu tăng mạnh lên mức cao hơn bao giờ hết.
Bởi vậy McKinsey cảnh báo những nước tăng trưởng nóng như Trung Quốc có thể lâm vào cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008 tại Mỹ. Giá nhà tăng quá cao khiến nhiều người không mua nổi trong khi hệ thống tài chính trở nên mất an toàn với quá nhiều nợ xấu.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ chậm thanh toán nợ như của hãng bất động sản China Evergrande Group thu hút sự chú ý của thế giới. Trong kịch bản tệ nhất, sự xì hơi của thị trường bất động sản có thể gây ảnh hưởng đến 1/3 số của cải thế giới cũng như tạo tác động dây chuyền.