Trung Quốc chính thức vận hành trạm vũ trụ mặt đất đầu tiên

Bích Thuận |

“Trạm vũ trụ mặt đất” đầu tiên của Trung Quốc đã vượt qua quá trình đánh giá nghiệm thu hôm thứ Ba (27/2) tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, miền Đông Bắc Trung Quốc.

Thiết bị mô phỏng môi trường không gian trên mặt đất này được ví là đưa trạm vũ trụ về Trái Đất. Nhiều thí nghiệm đòi hỏi phải lên không gian sẽ có thể được hoàn thành tại đây trong tương lai.

“Trạm vũ trụ mặt đất” hay Cơ sở hạ tầng nghiên cứu và mô phỏng môi trường không gian (SESRI), do Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân (HIT) và Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hợp tác xây dựng, vừa được nghiệm thu cấp quốc gia và bắt đầu chính thức vận hành.

Trung Quốc chính thức vận hành trạm vũ trụ mặt đất đầu tiên- Ảnh 1.

"Trạm vũ trụ mặt đất" đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Đây là cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ lớn cấp quốc gia đầu tiên của nước này trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Trạm vũ trụ mặt đất có thể mô phỏng 9 loại yếu tố môi trường không gian, như chân không, nhiệt độ cao và thấp, bụi không gian, bức xạ điện từ, bức xạ electron/proton, từ tính yếu, vi trọng lực...

Trung Quốc đã phải mất 18 năm để được nghiệm thu kể từ khi dự án bắt đầu luận chứng năm 2005. Ông Lý Lập Nghị (Li Liyi), Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường Không gian và Khoa học Vật chất thuộc HIT, cho biết thiết bị mô phỏng môi trường không gian dưới mặt đất tức là xây dựng một trạm vũ trụ dưới mặt đất giống với môi trường không gian thực, tương đương với việc “dời” trạm vũ trụ về Trái Đất. Trong tương lai, nhiều thí nghiệm cần thực hiện trong không gian sẽ có thể hoàn thành tại đây.

Các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm không gian sẽ không còn “khó như lên Trời”, trong khi các phi hành gia có thể trải nghiệm và thích nghi với môi trường bề mặt của Mặt Trăng, sao Hỏa và các hành tinh khác tại đây.

Ông cho biết thêm: “Mục đích thiết bị này của chúng tôi là cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ cho tàu vũ trụ phục vụ an toàn trên quỹ đạo, con người cư trú lâu dài, cũng như khả năng ngăn ngừa và kiểm soát các môi trường đặc biệt và cực đoan trong không gian của con người. Hiện tại, thiết bị đã có thể hoạt động ổn định. Dựa trên nền tảng nghiên cứu này, trong tương lai, chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn ở các lĩnh vực nghiên cứu liên quan, cung cấp môi trường và điều kiện nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học trong nước và thế giới”.

Theo truyền thông Trung Quốc, so với việc đưa các thiết bị và dụng cụ lên không gian, trạm vũ trụ mặt đất giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các mối nguy cơ về an toàn, lại có thể thiết lập các yếu tố môi trường cụ thể dựa trên nhu cầu khoa học và kỹ thuật. Điều này cho phép lặp lại nhiều nghiên cứu mà không bị giới hạn về thời gian và không gian.

Ông Hàn Kiệt Tài (Han Jiecai), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Hiệu trưởng HIT, cho biết thiết bị này có ý nghĩa to lớn đối với những đột phá lớn về khoa học công nghệ, chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp cũng như đào tạo nhân tài cao cấp ở Trung Quốc.

Ông tuyên bố, HIT sẽ liên tục tối ưu hóa các chỉ số kỹ thuật và nâng cao trình độ khoa học của thiết bị để có những đóng góp mới vào bước nhảy vọt của Trung Quốc từ một nước lớn về không gian thành một cường quốc vũ trụ.

Theo một bài viết trên Tân Hoa xã hồi cuối tháng 6/2023, hơn 110 tổ chức của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận người dùng để thực hiện các thí nghiệm khoa học ở “trạm vũ trụ mặt đất” này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại