Theo kênh AP News , Mỹ là quốc gia đầu tiên được đề cập trong phần mở đầu của Sách trắng về “những yếu tố gây bất ổn đáng lưu ý” và “các thay đổi sâu sắc” trong môi trường an ninh quốc tế.
Cụ thể, tài liệu trên cho rằng “Washington đã kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng, từ đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu”.
Đồng thời, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ “thực hiện chủ quyền quốc gia khi xây dựng căn cứ và triển khai các hành vi quân sự cần thiết trên các thực thể tại biển Đông, cũng như khi tiến hành tuần tra các vùng biển gần đảo Điếu Ngư ”, mặc dù luật pháp quốc tế chỉ ra rằng những hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông thời gian qua là hoàn toàn phạm pháp.
Các tàu hải quân Mỹ tập hợp ngoài khơi Hawaii trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng Bảy. Ảnh: Nikkie Asian Review
Về phía Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với tờ Philstar Global hôm 23-7, Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ Karl Shultz cho rằng việc tăng cường số lượng chiến dịch hoạt động biển Đông là để chứng tỏ “sự minh bạch trong hoạt động” của Washington tại đây.
Ông cũng khẳng định các động thái quân sự gần đây của Cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó mong muốn các đồng minh trong khu vực “phải lên tiếng, tạo thành một sự phản đối mang tính quốc tế để chống loại các hành vi hung hăng không phù hợp với một trật tự dựa trên luật pháp”.
Không chỉ Mỹ, cộng đồng quốc tế gồm giới chuyên gia, chính trị gia liên tục lên án hành vi của Trung Quốc khi nước này quân sự hóa, gây hấn, quấy rối hoạt động khai thác năng lượng hợp pháp của Việt Nam và một số nước khác tại biển Đông.