Theo Chen Jiale, nhà nghiên cứu tại Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Đường sắt Trung Quốc (CRSIC), máy đào này dự kiến được sử dụng trong các dự án thủy lợi, thủy điện, khai thác mỏ và xây dựng đường cao tốc, đường sắt.
Ông Chen cho biết: "Việc phát triển máy đào nổ có thể giải quyết những thách thức hiện nay trong việc xây dựng đường hầm dài và lớn, mang lại giải pháp mới cho các dự án quy mô như vậy".
Máy BBM sử dụng kết hợp các công nghệ cơ khí, điện, thủy lực, cảm biến, cơ học và dẫn hướng, cho phép sử dụng đồng thời phương pháp khoan và kích nổ truyền thống cùng với sức mạnh của máy đào hầm hiện đại.
Máy có hai đầu cắt và tận dụng những ưu điểm bổ sung của từng phương pháp, giúp nâng cao hiệu quả đồng thời thân thiện với môi trường.
Chen cho biết: "Nó kết hợp hiệu quả các chức năng của máy đào hầm (TBM) cùng các phương pháp khoan và nổ truyền thống, có nhiều chế độ đào."
Theo tờ Khoa học Công nghệ Trung Quốc , máy BBM đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm trong ba điều kiện làm việc khác nhau. Kết quả thử nghiệm cho thấy "trong điều kiện đá cực cứng, hiệu suất của đầu cắt rỗng có thể tăng 30% sau khi xử lý nứt vỡ trước".
Một hạn chế của máy TBM thông thường là chúng thường bị kẹt và gây ra chậm trễ khi gặp phải các điều kiện địa chất phức tạp như các vụ sụt lở đá đột ngột, vùng đứt gãy và các biến dạng lớn ở tầng đá mềm.
Cỗ máy BBM do CRSIC và Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Khoa học và Kỹ thuật thủy văn của Đại học Thanh Hoa hợp tác phát triển, có thể xử lý một loạt các điều kiện địa chất phức tạp.
Chẳng hạn, khi BBM gặp vùng đứt gãy lớn, thiết bị nhỏ hơn có thể xử lý trước khu vực đó bằng đầu cắt tròn của BBM. Trong trường hợp bùn hoặc nước tràn vào đột ngột, BBM có thể sử dụng đầu cắt tròn để thoát nước và loại bỏ chất bẩn, sau đó xử lý xử lý nền và chống thấm.
Ông Chen nhấn mạnh ba tính năng quan trọng của BBM, gồm đầu cắt rỗng tạo ra lối xuyên qua các điều kiện địa chất phức tạp để xử lý trước, tránh phải đi đường vòng.
Chế độ hoạt động kép của BBM, tích hợp Máy đào hầm xuyên núi (TBM) với phương pháp khoan và kích nổ, cho phép đào và nổ đồng thời. Chế độ này kết hợp độ an toàn và hiệu quả của thiết bị TBM với tính linh hoạt của khoan - nổ, nâng cao hiệu quả thi công.
Cuối cùng, khi điều kiện đá xung quanh thuận lợi, khối đá trung tâm có thể được sử dụng để tạo ra cốt liệu tại chỗ, giảm chi phí dự án và thúc đẩy xây dựng xanh.
Theo chuyên gia Qin Pengxiang tại Đại học Thanh Hoa, BBM “có giá trị ứng dụng sâu rộng và tiềm năng lớn”.
CRSIC thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, đã đóng góp vào việc phát triển các thiết bị xây dựng hạng nặng lớn được sử dụng trong một số dự án cơ sở hạ tầng thách thức nhất trong nước.
Công ty có trụ sở tại thành phố Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc), từng chế tạo máy đào hầm lớn Jiang Cheng Pioneer; hay Lu Wu, máy dựng cầu dầm đơn nặng 1.000 tấn đầu tiên của Trung Quốc.
CRSIC cũng là đơn vị chế tạo Cẩu giàn hai ray 2.000 tấn có sức nâng lớn nhất Trung Quốc và Yuehai, máy dựng dầm hộp 1.800 tấn lớn nhất thế giới.