Trung Quốc cấp bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 đầu tiên

Phạm Nghĩa |

Công ty sản xuất vắc-xin CanSino Biologics của Trung Quốc đã được Bắc Kinh cấp bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 đầu tiên.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 16-8 dẫn tài liệu từ cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ nước này cho biết đây là bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 đầu tiên được cấp tại Trung Quốc.

Vắc-xin liên quan là Ad5-nCOV của Công ty sản xuất vắc-xin CanSino Biologics.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, tài liệu do Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc xuất bản cho thấy bằng sáng chế được cấp hôm 11-8.

Mạng Truyền hình Toàn cầu (CGTN) của Trung Quốc cho biết trên mạng xã hội Twitter:

"Trung Quốc đã phê duyệt bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 đầu tiên do nhóm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của PLA phát triển. Trước đó, thử nghiệm giai đoạn 2 chứng minh vắc-xin an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch".

Nghiên cứu bao gồm 320 "tình nguyện viên khỏe mạnh" trong độ tuổi từ 18-59, trong đó 96 người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 224 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 2.

Trong tháng này, Ả Rập Saudi xác nhận kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc-xin của CanSino Biologics. Công ty này đang đàm phán với Nga, Brazil và Chile để khởi động các thử nghiệm giai đoạn 3 ở các nước này.

Cổ phiếu của CanSino Biologics tại Hồng Kông đã tăng khoảng 14% trong phiên giao dịch sáng 17-8. Cổ phiếu của công ty tại TP Thượng Hải – Trung Quốc cũng tăng 6,6% vào giữa ngày.

Trong khi đó, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID - Mỹ) tuyên bố họ đang phát triển một chủng virus SARS-CoV-2 mới để một ngày nào đó có thể tiêm cho các tình nguyện viên nhằm kiểm tra xem vắc-xin thử nghiệm có hiệu quả hay không.

Hiện các tình nguyện viên trong các thử nghiệm vắc-xin nhận được vắc-xin thử nghiệm hoặc giả dược, sau đó được theo dõi trong nhiều tháng - thậm chí nhiều năm - để kiểm tra liệu họ có bị nhiễm virus một cách tự nhiên hay không.

Hạn chế của việc này là mất thời gian. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người ta kêu gọi lựa chọn con đường nhanh hơn từng được sử dụng cho các thử nghiệm vắc-xin bệnh cúm, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết và dịch tả.

Nhưng không giống những căn bệnh trên, các bác sĩ vẫn biết rất ít về cách điều trị cho bệnh nhân Covid-19, khiến những thí nghiệm như vậy trở nên nguy hiểm.

Giám đốc đơn vị tiến hành thử nghiệm vắc-xin tại Trường ĐH George Washington, David Diemert, phản đối các thử nghiệm đó.

"Kiến thức của chúng ta có hạn. Chúng ta không có phương pháp điều trị nào đảm bảo có thể chữa khỏi cho người mắc Covid-19 nặng" - ông Diemert nói.

Trung Quốc cấp bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 đầu tiên - Ảnh 2.

Mỹ đang phát triển một chủng virus SARS-CoV-2 mới để một ngày nào đó có thể tiêm cho các tình nguyện viên. Ảnh: AP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại