Một số khu vực ở Trung Quốc có thể ghi nhận nền nhiệt tăng cao ở mức cực đoan. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2022 khi toàn bộ khu vực trên cả nước chìm trong đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ cao bất thường kéo dài hơn 70 ngày liên tiếp.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) vào ngày 8/6 dẫn lời ông Zheng Zhihai - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết thuộc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc - nhận định nền nhiệt ở phần lớn khu vực trên cả nước sẽ cao hơn mức trung bình cùng kỳ năm trước, với số ngày nắng nóng nhiều hơn.
Ông nhận định ít có nguy cơ xảy ra hiện tượng sóng nhiệt cực đoan và kéo dài trong năm nay như những gì đã xảy ra hồi năm 2022. Tuy nhiên, nhà khoa học này cho rằng các địa phương chịu ảnh hưởng cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán và đảm bảo đủ nguồn cung điện cho sinh hoạt và sản xuất khi nhiệt độ đạt đỉnh vào mùa hè này.
Theo cách phân loại của Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu Khí tượng Trung Quốc, bất kỳ ngày nào có nền nhiệt tối đa vượt quá 35℃ thì được coi là "ngày nhiệt độ cao" và nếu nền nhiệt này duy trì trong 3 ngày liên tiếp thì sẽ tạo thành đợt nắng nóng, hay còn gọi là sóng nhiệt.
Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Trong khoảng 1 tháng qua, người dân ở khu vực ở Nam Á và Đông Nam Á đã chật vật ứng phó trước tác động mà các đợt nắng nóng cực đoan kéo dài gây ra.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, "xô đổ" kỷ lục về nắng nóng của năm 2023. Mặc dù vậy, tổ chức này nhận định sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina trong năm nay sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái đất.