Trung Quốc cần khí đốt của Philippines

Duy Linh |

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về khai thác dầu khí với Philippines và giải quyết các vấn đề trên biển, thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Trung Quốc cần khí đốt của Philippines - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos duyệt đội danh dự trong lễ đón ngày 4-1 - Ảnh: Reuters

Ngày 5-1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên ba ngày đến Trung Quốc. Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước cho thấy một Bắc Kinh có vẻ nhượng bộ trước một Manila vừa nhận được các thông điệp đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ Washington.

Chúng tôi sẽ không đồng ý với những điều không phù hợp với Hiến pháp Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói về các thỏa thuận khai thác, phát triển dầu khí với nước ngoài.

Trung Quốc vẫn ở thế trên

Tổng thống Marcos đã mang về Philippines 14 thỏa thuận với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng an ninh và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Các cam kết của Bắc Kinh bao gồm thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp để giải quyết các vấn đề trên biển, thúc đẩy đối thoại của lực lượng tuần duyên hai nước, cân nhắc thông báo cho nhau khi bắn tên lửa và phối hợp thu hồi các mảnh vỡ tên lửa.

Mặc dù ông Marcos có thể tự hào đánh giá đây là chuyến công du thực chất, song Trung Quốc mới là bên thành công nhất. Vì sao như vậy? Trong tuyên bố chung, ông Tập cam kết sẽ tăng nhập khẩu từ Philippines để đưa kim ngạch thương mại hai bên trở lại mức bằng hoặc thậm chí vượt mức trước đại dịch.

Hai bên cũng gia hạn thỏa thuận liên quan các dự án ở Philippines trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai con đường" của ông Tập. Tất nhiên các việc này có lợi cho Manila nhưng cũng có nghĩa sự phụ thuộc vào Bắc Kinh sẽ lớn hơn.

Nói cách khác, Trung Quốc sẽ có thêm đòn bẩy để mặc cả với Philippines trong trường hợp cần thiết. Nông dân Philippines chắc chắn vẫn chưa quên tình cảnh khốn đốn khi Trung Quốc phát động "chiến tranh chuối" vào năm 2012 do căng thẳng quanh bãi cạn Scarborough.

"Chuyến thăm của Tổng thống Marcos có thể sẽ giúp ổn định quan hệ song phương trong một thời gian ngắn - điều mà mọi tổng thống mới của Philippines đã cố gắng thực hiện. Nhưng nó sẽ không giải quyết được những vấn đề sâu sắc hơn giữa hai nước. Mặc dù Trung Quốc đã đưa ra nhiều cam kết đầu tư nhưng trong quá khứ, nước này đã không thực hiện được những lời hứa như vậy ở Philippines" , nhà nghiên cứu về Đông Nam Á Gregory B. Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định với Tuổi Trẻ.

Mục tiêu dầu khí của Trung Quốc

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo Trung Quốc và Philippines đã nhất trí sẽ nối lại đàm phán về thăm dò dầu khí ở những khu vực "không tranh chấp", đây là một chỉ dấu đáng chú ý. Nền kinh tế số 2 thế giới đang ngày càng khát khí đốt, bao gồm khí đốt hóa lỏng (LNG) trong nỗ lực trung hòa carbon vào năm 2060 như đã cam kết với thế giới.

Trung Quốc đã xác định khí đốt tự nhiên là nguồn năng lượng chuyển tiếp trong quá trình từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo. Nhu cầu LNG của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trở lại từ 70 - 72 triệu tấn vào năm 2023, cao hơn từ 9 - 14% so với năm 2022 do nới lỏng chống dịch. Về lâu dài, Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là nước nhập khẩu LNG nhiều nhất thế giới.

Năm ngoái, Trung Quốc gây chú ý khi ký thỏa thuận hơn 60 tỉ USD với Qatar mua LNG trong 27 năm. Đây không chỉ là hợp đồng mua LNG dài nhất từng được ký kết mà còn cho thấy Bắc Kinh đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung ổn định trong dài hạn trước những biến chuyển khó lường của thế giới.

Mặc dù trữ lượng khí đốt của Qatar rất lớn, song khoảng cách địa lý và chi phí đắt đỏ lại là trở ngại đáng kể. Những lo ngại đó đã thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường khai thác các giếng khí đốt gần đại lục và cũng là lý do khiến Philippines lọt vào "tầm ngắm".

Trước chuyến thăm của ông Marcos, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã bắt đầu giai đoạn hai của dự án Shenhai-1 cách phía nam đảo Hải Nam khoảng 200km. Với mục tiêu khoan 12 giếng, giai đoạn hai của dự án sẽ nâng sản lượng khai thác từ 3 tỉ m3/năm lên 4,5 tỉ m3/năm.

Con số này tương đương 90% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của tỉnh Hải Nam vào năm 2021, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon của khu vực kinh tế quan trọng gồm các thành phố Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong - Macau và cảng thương mại tự do Hải Nam.

Tuy nhiên đối với ý tưởng "gác lại tranh chấp, cùng khai thác" với Philippines, trở ngại lại đến từ hiến pháp của nước này năm 1987. Trong đó yêu cầu Chính phủ Philippines phải kiểm soát 100% các dự án khai thác, phát triển cũng như sử dụng khí đốt.

"Chừng nào Trung Quốc còn bám vào các yêu sách Biển Đông, việc khai thác chung sẽ bất khả thi vì luật pháp Philippines không cho phép điều đó. Xu hướng căng thẳng kéo dài khiến việc chính phủ Marcos liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ không thay đổi sau chuyến công du lần này", ông Poling nhận định với Tuổi Trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại