Tinh thần chung của kế hoạch là buộc các SOE “xác sống” nếu không trả được nợ thì phải đóng cửa, để nguồn lực có thể phân phối tốt hơn cho nền kinh tế Trung Quốc, vào lúc cuộc chiến thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã có tác động mạnh. Trong những cuộc đàm phán nhằm kết thúc thương chiến, Mỹ luôn đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt tài trợ cho các SOE vốn chiếm ưu thế ở nước này.
Thông tư viết: “Chính phủ phải giữ vai trò quyết định về thị trường trong việc phân phối nguồn lực, chuẩn hóa sức cạnh tranh thị trường, kéo giảm rối loạn thị trường và thúc đẩy dòng chảy của các thành phần và tài nguyên cho các thực thể thị trường hiệu quả nhất. Đối với các công ty, tập đoàn nhà nước đã đạt đủ tiêu chuẩn phá sản, tất cả các cơ quan liên quan không được cản trở việc họ rời khỏi thị trường”.
Thông tư này của 13 cơ quan quan trọng, gồm Ủy ban Cải cách-phát triển quốc gia (NDRC), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Tài chính và Tòa án Nhân dân tối cao. Thông tư được ban hành một ngày sau việc Trung Quốc xác nhận tăng trưởng GDP đã giảm thấp kỷ lục xuống mức 6,2 % trong quí 2.2019.
Nhưng theo SCMP, quyết định cuối cùng về công ty nào phải giải thể lại thường trong tay các quan chức địa phương, là những người miễn cưỡng hành động, do tầm quan trọng của các công ty này đối với nền kinh tế địa phương.
Ông Tang Jianwei - nhà phân tích cấp cao của Ngân hàng Thông tin, cảnh báo rằng sự phản đối của chính quyền địa phương - về việc đóng cửa các SOE - vẫn mạnh, do các công ty này đóng góp nhiều vào nguồn thu thuế cho địa phương cũng như tạo việc làm.
Vẫn theo thông tư nói trên, chính phủ Trung Quốc sẽ lập một cơ chế cảnh báo sớm cho các tổ chức tài chính và một kênh pháp lý, để có thể sử dụng vào nỗ lực tái cơ cấu hoặc phá sản. Vài tháng qua, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã phải kiểm soát Tập đoàn bảo hiểm Anbang và Ngân hàng Baoshang, nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Chính phủ cũng đang nghiên cứu việc lập một cơ chế cho phép công dân nộp đơn xin phá sản.
Sẽ cần nhiều quy định chi tiết để bổ sung vào chính sách phá sản mới, từ việc đóng cửa các công ty tài chính hoặc công nghiệp đòi hỏi những thay đổi đáng kể về việc làm và trả nợ, theo nhận định của ông Tang, người nói vì đang chịu sức ép từ bên ngoài, Trung Quốc vẫn cần cải thiện các cơ chế thị trường và môi trường kinh doanh, mở rộng thị trường và tự hội nhập với các hoạt động quốc tế.
SCMP nhận định, thông tư này là một nỗ lực cải cách mới nhất, nhằm giải quyết lời phàn nàn rằng Trung Quốc có hệ thống kinh tế kép, với các SOE được ưu đãi hơn các công ty tư nhân, dù nhánh thứ hai đóng góp hơn 60% GDP và hơn 80% việc làm ở các vùng thành thị. Các công ty tư nhân thường bị tổn thất từ kinh tế suy thoái do họ bị hạn chế tiếp cận thị trường, vay vốn và cuộc chiến thương mại đã giáng đòn mạnh vào nhiều công ty tư nhân hoạt động xuất khẩu.
Mặt khác, sự thống trị của các SOE - thường kiểm soát nguồn lực lớn và được ưu tiên khi vay tiền của các cơ quan tài chính nhà nước - vẫn nguyên vẹn, bất chấp kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Ủy ban quản lý giám sát ngân hàng bảo hiểm Trung Quốc - cơ quan quản lý 96 tập đoàn nhà nước lớn gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc và China Mobile - nói rằng vào năm 2018 đã giải thể 1.900 "công ty xác sống”.
Theo SCMP, các SOE không thuộc lĩnh vực tài chính có số tài sản tổng cộng 192 ngàn tỉ Yuan (tính đến cuối tháng 5) tức tăng 8,8% so với 1 năm trước, trong khi lãi ròng của họ tăng 9,3% đạt 1,02 ngàn tỉ Yuan trong 5 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc.