Nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã bị bắt cuối năm 2018 với các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia, ngay sau khi chính quyền Canada bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu tại Vancouver theo lệnh của Mỹ.
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi thả bà Mạnh và cảnh báo Canada rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả vì đã giúp đỡ Mỹ trong vụ kiện Mạnh Vãn Châu.
Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã kết thúc một cuộc điều tra về hai người Canada, và vụ việc đã được chuyển cho các công tố viên. Vụ án của Kovrig, đang được xử lý bởi các công tố viên ở Bắc Kinh và Spavor, ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc.
Các cáo buộc là bước tiếp theo trong thủ tục tố tụng tư pháp chống lại hai công dân Canada, nghĩa là một phiên tòa chính thức có thể bắt đầu.
Canada đã gọi các vụ bắt giữ này là tùy tiện. Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Spavor bị buộc tội đánh cắp các bí mật quốc gia và cung cấp trái phép bí mật nhà nước cho các thực thể bên ngoài Trung Quốc, trong khi đó, Kovrig bị buộc tội gián điệp bí mật quốc gia và tình báo cho các thực thể bên ngoài Trung Quốc, theo hai thông báo được các công tố viên Trung Quốc đăng tải lên mạng hôm qua.
Hồi đầu tháng, đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ nói hai người đàn ông bị giam giữ “sức khỏe tốt”, nhưng các chuyến thăm lãnh sự đã bị đình chỉ do hạn chế phòng dịch coronavirus.
Ủy ban Chính pháp Trung Quốc hồi năm ngoái tuyên bố ông Kovrig bị buộc tội ăn cắp thông tin nhạy cảm của Trung Quốc. Họ nói ông Spavor đã cung cấp thông tin tình báo cho ông Kovrig mà không nêu chi tiết.
Ông Kovrig làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), một tổ chức phi chính phủ chuyên giải quyết xung đột. ICG không đưa ra bình luận trong ngày hôm qua.
ICG trước đây nói rằng những lời buộc tội chống lại ông Kovrig là mơ hồ và không có căn cứ.
Ông Spavor, 44 tuổi, là doanh nhân có mối quan hệ với Triều Tiên.
Trong khi Trung Quốc nói các vụ giam giữ này không liên quan đến Mạnh Vãn Châu, các nhà cựu ngoại giao và chuyên gia trước đó nói chúng đang bị sử dụng để gây áp lực với Canada.
Tháng trước, bà Mạnh, con gái người sáng lập công ty viễn thông khổng lồ Huawei, thất bại trong một nỗ lực pháp lý nhằm tránh bị dẫn độ sang Mỹ, hy vọng chấm dứt việc chịu quản thúc tại gia ở Vancouver. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh có nguy cơ phải đối mặt với các cáo buộc gian lận trong thủ tục ngân hàng, che giấu việc làm ăn với Iran, nước đang bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt.