Trung Quốc bộc lộ tham vọng tự cường về công nghệ: Xây mới 700 phòng thí nghiệm trong nửa cuối năm 2020

Bảo Nam |

Chính quyền Bắc Kinh đang tăng tốc các kế hoạch để tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học cơ bản, trong bối cảnh cuộc đua công nghệ diễn ra ngày một căng thẳng với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đang tăng tốc các nỗ lực của mình để xây dựng 700 phòng thí nghiệm quan trọng vào cuối năm nay, nhằm tạo ra một lực lượng quan trọng để dẫn dắt nghiên cứu cơ bản, theo tờ nhật báo Thông tin Kinh tế (Economic Information Daily).

Trước đó, theo các tài liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phát hành năm 2018, mục tiêu của các phòng thí nghiệm chính của nhà nước, nhận được sự ủng hộ từ chính phủ, trường đại học hoặc tập đoàn, là tập trung vào các công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Có tới 501 phòng thí nghiệm dạng này hoạt động tại Trung Quốc vào cuối năm 2018, theo dữ liệu có sẵn từ một báo cáo năm 2019, cũng của tờ nhật báo này.

Tuy nhiên, Bộ khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức về các câu hỏi liên quan tới việc cập nhật số lượng các phòng thí nghiệm đang hoạt động và các khu vực nghiên cứu mới được lên kế hoạch cho năm nay.

Trung Quốc bộc lộ tham vọng tự cường về công nghệ: Xây mới 700 phòng thí nghiệm trong nửa cuối năm 2020 - Ảnh 1.

Lò phản ứng hạt nhân thực nghiệm tiên tiến siêu dẫn Tokamak bên trong phòng thí nghiệm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ với Hoa Kỳ, đặc biệt diễn ra trong sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nó được cho là đã khiến Bắc Kinh có thêm động lực để tìm kiếm sự tự cung tự cấp về công nghệ trong tương lai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tự lực và đổi mới, kêu gọi quốc gia chuẩn bị chống lại những thách thức dài hạn từ Mỹ.

"Chỉ khi chúng ta sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, thì chúng ta mới có thể sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cốt lõi và không bị đánh bại trong việc tăng cường cạnh tranh", tờ Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình trong một chuyến thăm ở tỉnh Giang Tây, tháng 5/2019.

Trong một diễn biến khác thì vào tuần trước, chính quyền Mỹ đã xử phạt nhiều công ty và tổ chức của Trung Quốc, bao gồm Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT), nơi điều hành bảy phòng thí nghiệm quan trọng cấp nhà nước, trong đó có một phòng thí nghiệm về robot. HIT đã được thêm vào Danh sách thực thể của Washington, điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể mua các sản phẩm hoặc dịch vụ của Mỹ mà không có giấy phép.

Huawei Technologies, với nhiều viện nghiên cứu công nghệ trong tay, hồi tháng 5 năm ngoái cũng đã được đưa vào danh sách này. Cả HIT và Huawei đều không muốn chia sẻ về tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động tại các phòng thí nghiệm của họ.

Trung Quốc bộc lộ tham vọng tự cường về công nghệ: Xây mới 700 phòng thí nghiệm trong nửa cuối năm 2020 - Ảnh 2.

Trước áp lực từ Hoa Kỳ, Trung Quốc muốn "tự cung tự cấp" về công nghệ.

Quay trở lại với kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh thì tuần trước, hai phòng thí nghiệm trọng điểm mới đã được phê duyệt. Một cơ sở ở thành phố Thiên Tân về y học cổ truyền và một viện nghiên cứu đặt ở tỉnh Hồ Nam, sẽ nghiên cứu về dầu gỗ. Hai tháng trước, một phòng thí nghiệm về kỹ thuật vận tải và một viện nghiên cứu về siêu âm khác cũng đã được "bật đèn xanh".

Theo các báo cáo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ tập trung vào các công nghệ cốt lõi và đổi mới. Năm ngoái, các phòng thí nghiệm mới được tạo lập bao gồm các lĩnh vực như Internet và thông tin, năng lượng, nghiên cứu đại dương, khoa học vật liệu, hàng không vũ trụ và nghiên cứu không gian, nhân khẩu học và sức khỏe.

Lần yêu cầu tập trung thúc đẩy công nghệ gần đây nhất của Trung Quốc là vào tháng 5/2018, khi ông Tập Cận Bình kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu của đất nước giúp xây dựng Trung Quốc thành một "nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao". Động thái này được đưa ra ngay sau khi nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp nhận một loạt lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ, liên quan tới đủ các mặt hoạt động kinh doanh từ điện thoại thông minh đến thiết bị mạng.

"Tình hình đang rất cấp bách. Các thách thức đang rất cấp bách. Nhiệm vụ trên vai chúng ta đang rất cấp bách", trích dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thường niên của Học viện Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 2018.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại