Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến công du châu Phi. Ảnh: Reuters
Theo trang tin Zerohedge.com mới đây, năm 2000, Trung Quốc chỉ là nguồn nhập khẩu hàng đầu của một số nước châu Phi như Sudan, Gambia, Benin và Djibouti. Hơn 20 năm sau, siêu cường châu Á này hiện là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia trên "lục địa đen".
Mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Báo cáo từ chuyên gia nghiên cứu của Statista về Angola, Kenya và Tanzania, bà Julia Faria nêu rõ: "Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Phi đã tăng từ 5 tỷ USD lên 110 tỷ USD".
Tuy nhiên, đó không chỉ là thương mại một chiều: "Xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc cũng tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 62 tỷ USD, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu lớn về nguyên liệu thô của Trung Quốc ngày càng được đáp ứng bởi các nhà cung cấp ở châu Phi, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD vào năm 2020".
Không chỉ là mối quan hệ thương mại đơn thuần, Trung Quốc còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi trong nhiều năm nay. Ngoài ra, quốc gia này còn là nguồn tài trợ 25% cho cơ sở hạ tầng ở lục địa này vào năm 2018.
Theo chuyên gia về các thị trường mới nổi Jason Mitchell của Investment Monitor, kể từ năm 2003, dòng vốn FDI hàng năm của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng từ 74,8 triệu USD lên 5,4 tỷ USD vào năm 2018. Dòng vốn chảy vào châu Phi đã giảm xuống còn 2,7 tỷ USD vào năm 2019, nhưng sau đó - bất chấp đại dịch COVID-19 - vẫn tăng lên 4,2 tỷ USD vào năm 2020. Vốn FDI của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng vọt, gần gấp trăm lần, từ 490 triệu USD năm 2003 lên 43,4 tỷ USD vào năm 2020.
10 quốc gia nhận FDI hàng đầu của Trung Quốc – chẳng hạn như Cộng hòa Congo (DRC) và Nam Phi – chiếm 63% tổng vốn FDI. Vào tháng 11/2021, tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Dakar, Senegal, Bắc Kinh đã cam kết đầu tư tư nhân trị giá 10 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tiếp theo.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, chiếm 282 tỷ USD thương mại vào năm 2022. Trung Quốc đã thành lập 25 khu hợp tác kinh tế và thương mại tại 16 quốc gia châu Phi. Các khu hợp tác, có đăng ký với Bộ Thương mại Trung Quốc, đã thu hút 623 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư là 7,35 tỷ USD vào cuối năm 2020, theo Báo cáo thường niên về Quan hệ Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Châu Phi năm 2021.
Các khu hợp tác kinh tế và thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc giúp thúc đẩy công nghiệp hóa địa phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, sản xuất, thương mại và hậu cần.
Các công ty Trung Quốc hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế châu Phi. Gần một phần ba tham gia vào lĩnh vực sản xuất, một phần tư trong lĩnh vực dịch vụ và khoảng một phần năm trong lĩnh vực thương mại và xây dựng/bất động sản. Trong lĩnh vực sản xuất, McKinsey ước tính rằng 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi - tổng trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm - đã được xử lý bởi các công ty Trung Quốc. Về cơ sở hạ tầng, sự thống trị của các công ty Trung Quốc thậm chí còn rõ rệt hơn và họ chiếm gần 50% thị trường xây dựng theo hợp đồng quốc tế của châu Phi.
Tim Zajontz, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính trị Quốc tế tại Đại học Stellenbosch của Nam Phi, cho biết: “Các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tiếp cận các nguyên liệu thô là một trong số đó, đặc biệt là về dầu thô và các loại khoáng sản khác nhau hay tài nguyên chiến lược như coban, lithium và đất hiếm, những thứ cần thiết trên toàn cầu để sản xuất pin và chip".
Theo nhà nghiên cứu trên, các khoản đầu tư khác của Trung Quốc vào châu Phi cũng nhằm tìm kiếm thị trường theo nghĩa vốn được đầu tư một cách chiến lược để mở ra thị trường bán hàng mới cho hàng hóa Trung Quốc. Ví dụ, các công ty Trung Quốc đã giành được thị phần thống trị trong thị trường điện tử và công nghệ thông tin của châu Phi trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Hiện tại, hơn 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động trên khắp lục địa châu Phi và kể từ năm 2005, giá trị của doanh nghiệp Trung Quốc ở đó đã lên tới hơn 2.000 tỷ USD, với 300 tỷ USD đầu tư hiện tại. Châu Phi cũng đã vượt qua châu Á để trở thành thị trường lớn nhất cho các dự án xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc.
Ông Zajontz cho rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi chắc chắn sẽ trở nên lớn hơn trong tương lai. Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc đã hướng tới lục địa này để lấy nhiều tài nguyên thiên nhiên và năng lượng mà họ thiếu. Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Phi để phục vụ các thị trường châu Phi đang phát triển nhanh chóng.