Trung Quốc bị nghi ngờ giúp Triều Tiên “lách” lệnh trừng phạt

Vân Trang |

Theo nhiều chuyên gia, Triều Tiên đang tìm được cách lách lệnh trừng phạt, thậm chí chính Bắc Kinh giúp Bình Nhưỡng qua mặt Mỹ.

Một trong những quân bài mà Mỹ đang sử dụng để đàm phán với Triều Tiên đó chính là các lệnh trừng phạt khắc nghiệt gần như bao phủ tất cả các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là nguồn cung dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quốc gia Đông Bắc Á này vẫn tìm được cách lách luật, thậm chí chính Bắc Kinh giúp Bình Nhưỡng qua mặt Mỹ.

Máy bay Trung Quốc và hoạt động ở Triều Tiên

Theo Financial Times, đầu tuần này, tờ NK Pro, một trang thông tin tập trung vào vấn đề Triều Tiên đã công bố hàng loạt hình ảnh cho thấy máy bay của hãng hàng không Air China (Trung Quốc) đang tiếp nhiên liệu tại Bình Nhưỡng. Cũng theo NK Pro, phi cơ của Air China thường xuyên có những chuyến bay qua lại giữa thủ đô hai nước và tiếp nhiên liệu tại Bình Nhưỡng.

Một loạt hình ảnh được ghi lại trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2019 và đã được tờ Financial Times đánh giá, cho thấy chiếc Boeing 737 của Air China kết nối với các xe tải chở dầu do hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Kyryo vận hành. Hãng bay này vốn có quan hệ mật thiết với quân đội Triều Tiên. Air China xác nhận quá trình tiếp dầu nhưng từ chối bình luận về nguồn nhiên liệu.

“Vì cân nhắc tới an toàn chuyến bay cùng các lợi ích kinh tế, máy bay của Air China trên tuyến Bắc Kinh - Bình Nhưỡng - Bắc Kinh chỉ cất cánh với lượng nhiên liệu đủ cho một hành trình từ Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng rồi sau đó mới tiếp dầu tại Bình Nhưỡng trước khi quay trở lại”, một người phát ngôn của Air China cho hay.

Nghi ngờ Trung Quốc giúp lách luật

Nhiều nhà phê bình cho rằng, hoạt động tiếp nhận đó cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tìm được cách để lách các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ phía Mỹ vốn được đưa ra nhằm phản ứng trước các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2015-2017.

Ông Randy Schiver, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc chuyên phụ trách về châu Á cho rằng, Mỹ đã nhấn mạnh Trung Quốc phải cứng rắn với Triều Tiên.

“Chúng tôi đang tìm cách để thực thi các lệnh trừng phạt và những phương pháp ban đầu mà Triều Tiên đang nỗ lực để lách các lệnh trừng phạt đó là vận chuyển từ tàu sang tàu bất hợp pháp, đối với chủ yếu là than, vào và ra khỏi nước này.

Trong thời gian qua, hầu hết hoạt động vận chuyển trên được thực hiện vào vùng lãnh thổ của Trung Quốc. “Khả năng để ngăn chặn, can thiệp vào hoạt động vận tải nhiên liệu và gây áp lực lên Triều Tiên hiện nay đang bị sự bất hợp tác của Trung Quốc gây tổn hại”, ông Schiver nói.

Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh vẫn khẳng định, họ hoàn toàn tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính phủ Trung Quốc chưa trả lời những câu hỏi mà cánh báo chí Mỹ đặt ra về loạt hình ảnh do NK Pro cung cấp.

Thực chất, theo nghị quyết của LHQ về trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc vẫn được phép xuất khẩu lượng dầu mỏ có giới hạn tới Triều Tiên nhưng việc bán hoặc cung cấp nhiên liệu máy bay lại nằm trong danh sách cấm của các lệnh trừng phạt được đưa ra vào tháng 3/2016.

Chưa rõ liệu Triều Tiên có khả năng lọc dầu để sản xuất đủ nhiên liệu máy bay nhằm đáp ứng các nhu cầu quân sự của họ cũng như của Air Koryo hay không.

Ông Kim Byung-Yeon, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Seoul cũng đồng ý rằng, cần phải đặt câu hỏi nghi vấn về nguồn cung cấp nhiên liệu máy bay của Triều Tiên.

Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bị đình trệ kể từ cuộc gặp thứ 3 giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6. Hai bên đã không đi đến đồng thuận về tiến trình để Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại