Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, một quan chức giấu tên của Cục điều tra, Bản đồ và Thông tin địa lý Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh chưa từng thay đổi độ cao 8.844,43 m của đỉnh Everest trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trước đó, tờ New York Times dẫn lời một cựu quan chức cao cấp của Nepal nói Trung Quốc điều chỉnh số liệu vào năm 2017.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định các số liệu được đo vào năm 2005 là "chính xác, khoa học và hợp pháp" và được sử dụng làm tiêu chuẩn từ đó đến nay.
"Con số hết sức quan trọng với các nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình lập bản đồ, nghiên cứu địa chất ở Trung Quốc và trên toàn thế giới", quan chức giấu tên Trung Quốc cho biết.
Nằm trên dãy Himalaya ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Nepal, Everest được coi là đỉnh núi cao nhất thế giới mặc dù độ cao của nó từng gây khá nhiều tranh cãi.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, Tshering Sherpa, cựu giám đốc Hiệp hội leo núi Nepal nói Bắc Kinh gây áp lực lên Kathmandu và một cơ quan leo núi quốc tế công nhận kết quả đo đạc năm 2005 của Trung Quốc.
Theo đó, Bắc Kinh cho rằng cần phải tính độ cao của ngọn núi theo đỉnh đá cao nhất, Kathmandu lại khẳng định phải đo độ cao theo cả đỉnh phủ tuyết, tức là cao hơn 5 m so với cách tính của Trung Quốc.
"Trung Quốc thay đổi chỉ số của họ vào năm ngoái sau khi số lượng người đăng ký leo núi xuất phát từ Trung Quốc giảm đáng kể. Người ta thích leo từ Nepal hơn vì nhận được giấy chứng nhận độ cao lớn hơn", ông Tshering cho hay.
Nepal đang lên kế hoạch gửi một nhóm các nhà khảo sát tới đo chiều cao Everest trong mùa leo sắp tới với hy vọng giải quyết tranh chấp.