Trừng phạt Nga không dễ

Đức Anh |

EU dự kiến bắt đầu áp trần giá dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga kể từ ngày 5/12 nhưng mọi thứ đang diễn ra một cách không suôn sẻ.

Sau liên tiếp các cuộc họp, cho đến ngày 29/11, các nước EU vẫn không thể đạt được sự đồng thuận trong biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga là áp trần giá dầu của nước này.

EU dự kiến bắt đầu áp trần giá dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga kể từ ngày 5/12 nhưng mọi thứ đang diễn ra một cách không suôn sẻ. Hình thức áp trần giá dầu Nga giống như biện pháp “nước đôi” của EU, khi vừa không muốn cắt đứt hoàn toàn nguồn cung từ dầu Nga lại vừa muốn Nga phải chịu tổn thất về tài chính khi chỉ bán được giá dầu ở mức thấp hơn nhiều so với trước.

Trong trường hợp các nước EU không thể thống nhất được giá trần thì khối này sẽ phải áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn, vốn đã được thống nhất từ hồi tháng 5, bao gồm cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022 và các sản phẩm xăng dầu Nga từ ngày 5/2/2023.

Đáng chú ý là ngay cả khi các biện pháp này được thực hiện thì dòng chảy của dầu Nga vẫn đổ về châu Âu. Nguyên do vì đó chỉ là cấm nhập khẩu bằng đường biển, còn một thành viên EU là Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác vẫn được tiếp tục nhập khẩu dầu Nga thông qua hệ thống đường ống.

Không chỉ EU mà các nước G7 cũng không muốn trừng phạt một cách “sát ván” với dầu Nga vì Nga đang cung cấp tới 10% sản lượng dầu toàn thế giới. Việc đoạn tuyệt ngay lập tức với nguồn dầu Nga có thể khiến các nước phương Tây lâm vào khủng hoảng do chưa kịp tìm nguồn cung thay thế, trong khi mùa đông lạnh giá đang diễn ra.

Do đó, các nước G7 đã đề xuất một chính sách trừng phạt dầu Nga mềm dẻo hơn lệnh cấm vận của EU, nhằm giữ ổn định nguồn cung năng lượng cho kinh tế toàn cầu. Theo đề xuất của G7, các khách hàng toàn cầu sẽ tiếp tục mua dầu thô Nga, nhưng chỉ ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức trần là 65 - 70 USD/thùng.

Tuy nhiên, các nước EU là Ba Lan, Lithuania và Estonia cho rằng mức giá trần này không đủ làm tổn hại đến doanh thu của Nga vì dầu thô của nước này vốn đang chỉ được giao dịch ở mức 63,5 USD/thùng, trong khi chi phí sản xuất ước tính chỉ khoảng 20 USD/thùng. Do vậy các nước này kêu gọi G7 và EU đẩy mức giá trần Nga xuống chỉ còn khoảng 30 USD/thùng.

Ngược lại, một số nước châu Âu lại phản đối đề xuất mức giá trần thấp này như Malta, Cyprus và Hy Lạp vì lo ngại nếu đề xuất mức giá trần xuống thấp đến 30 USD/thùng thì ảnh hưởng đến các ngành vận tải biển.

Ý tưởng về việc áp giá trần của EU và G7 nhằm cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các chuyến tàu chở dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá không cao hơn giá trần đã đặt ra. Các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức giá trần chắc chắn sẽ được thực thi và sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn.

Trong khi đó, kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra việc xuất khẩu năng lượng Nga qua đường ống bị gián đoạn và hiện nay khoảng 70% - 85% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này là được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Do vậy việc áp giá trần của phương Tây chắc chắn ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Nga.

Tuy nhiên, ngay cả khi bị áp giá trần thấp tới mức 30 USD/thùng thì Nga vẫn có thể tiếp tục bán vì vẫn có lãi, do chi phí sản xuất chỉ ước tính vào khoảng 20 USD/thùng. Việc này cũng vừa giúp Nga vẫn có nguồn thu từ dầu thô dù không còn cao như trước vừa giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại