Chính phủ Mỹ đã thông báo trừng phạt các quan chức Trung Quốc về “vấn đề nhân quyền” với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, gia tăng sức ép với Bắc Kinh về một trong những vấn đề khiến quan hệ hai nước vốn đã bất đồng nay lại càng thêm căng thẳng.
Các lệnh trừng phạt này đã nêu cụ thể tên của Bí thư Đảng ủy Trần Toàn Quốc và 3 quan chức cấp cao khác của khu tự trị Tân Cương, cùng với những người chưa xác định khác "được cho là phải chịu trách nhiệm hoặc đã đồng lõa trong việc giam giữ, đối xử bất công với những người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc thiểu số Kazakhstan và thành viên của các nhóm thiểu số khác tại Tân Cương", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm 9/7.
Ông Pompeo cho biết lệnh trừng phạt này được ủy quyền theo sắc lệnh hành pháp "Chặn tài sản của những người liên quan đến lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng hoặc tham nhũng" mà Tổng thống Trump ký duyệt năm 2017, phù hợp với Đạo luật Magnitsky về Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu được cựu Tổng thống Barack Obama ký thông qua năm 2012.
Ông Trần Toàn Quốc hiện là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính phủ Mỹ trừng phạt, một dấu hiệu cho thấy Ngoại trưởng Pompeo đang hành động mạnh mẽ để đối phó với Bắc Kinh. Ông Trần Toàn Quốc là 1 trong 25 thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Vị trí của vị quan chức này thậm chí không hề thua kém Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
"Chính phủ Mỹ đã vượt qua một "lằn ranh đỏ" nữa khi trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc", Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra ở New York nhận định.
Ngày 17/6, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, yêu cầu để Mỹ kiểm tra sâu rộng hơn các hành vi nghi ngờ là “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương, đồng thời đưa các quan chức Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm cho việc này vào danh sách đối tượng trừng phạt kinh tế và cấm nhập cảnh vào Mỹ./.