Trung Quốc áp thuế đối với rượu Australia. Ảnh: AP
Đây kỳ thực là một trò chơi hoán đổi trên quy mô lớn.
Giữa lúc Australia đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến giành tầm ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra tay bằng cách chặn hàng tỉ USD hàng xuất khẩu của Australia trong khi mở cửa đối với các sản phẩm tương tự từ nhiều nước khác.
Siêu thị và nhà hàng Trung Quốc có thể sẽ vắng bóng tôm hùm Australia nhưng lượng lớn hải sản từ Mỹ lại được phép nhập khẩu như một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trị giá 36 tỉ USD.
Tuy nhiên, nỗ lực gia tăng sức ép lên Canberra của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở thương mại. Các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách làm xói mòn ảnh hưởng về mặt ngoại giao của Australia.
Cơm không lành, canh không ngọt
Bắc Kinh vốn đã không hài lòng với Australia vì nhiều sự vụ. Từ hồi 2018, Canberra đã không cho công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng 5G và ban hành luật cấm nước ngoài can thiệp vào nội chính của mình.
Tháng 6/2019, khảo sát của Viện Lowy cho thấy lòng tin của công chúng Australia đối với Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Kế đó, chính quyền Australia lại lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Hồi đầu năm nay, Australia cũng rất năng nổ kêu gọi điều tra quốc tế với đại dịch COVID-19, một động thái mà phía Trung Quốc cho là "đầu độc mối quan hệ song phương".
Tới tháng trước, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng khiếu nại, cáo buộc Canberra can thiệp vào công việc nội bộ của mình, bao gồm cả vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã chặn hàng tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Australia, trong đó có mặt hàng tôm hùm kể trên và áp mức thuế 212% nhằm vào rượu Australia. Một trong những đòn lớn nhất mà Bắc Kinh đưa ra là vào tháng 10 và nhắm tới than Australia, mặt hàng xuất khẩu chính tới Trung Quốc.
Tôm hùm là một trong những mặt hàng bị Trung Quốc trừng phạt. Ảnh: ABC
Ngay sau khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu không mua hàng hóa của Australia, Hiệp hội Phân phối và Vận chuyển Than Trung Quốc đã ký thỏa thuận không ràng buộc với Indonesia để tăng cường mua than trong 3 năm tới. Các thương nhân Trung Quốc cũng tìm tới các nguồn cung khác, như Mông Cổ.
Đòn trừng phạt không bền vững
Thỏa thuận than với Indonesia là một trong những ví dụ cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường hứa hẹn đầu tư và giao thương với những nước khác trong khu vực.
Adam Ni, giám đốc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Chính sách Trung Quốc, cho hay: "Chúng ta sẽ ngày càng thấy Trung Quốc tiếp cận gần hơn tới các quốc gia ASEAN và nhiều nước khác, đồng thời sử dụng các biện pháp thương mại và nhiều công cụ để trừng phạt những nước có vẻ đang bắt tay với Mỹ để chống Trung Quốc".
Ông Ni cho rằng Trung Quốc có thể dễ dàng tìm được nguồn thay thế cho các sản phẩm Australia mà nước này đưa vào diện trừng phạt: "Khi rượu Australia bị hạn chế, bên nào đó sẽ được lợi bởi nhu cầu vẫn còn đó."
Tuy nhiên, ông Ni cho rằng, các đòn kinh tế và thương mại từ Trung Quốc sẽ không bền vững về dài hạn bởi nó sẽ gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng trong nước khi mà các phương án thay thế Bắc Kinh tìm tới nhiều khả năng có giá thành cao hơn hoặc chất lượng thấp hơn.
Nỗ lực gia tăng ảnh hưởng
Có thể nhìn thấy nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ trong khu vực của Trung Quốc hồi cuối tháng trước, tại "hội nghị đặc biệt về COVID-19" cấp thứ trưởng giữa Trung Quốc và 10 quốc gia Thái Bình Dương.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết sản xuất các loại vaccine có giá cả phải chăng cho các nước phát triển, bao gồm cả các nước Thái Bình Dương, và khiến các loại vaccine này dễ tiếp cận.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn tận dụng cơ hội này để có được hậu thuẫn chính trị về các chương trình nghị sự ngoài vấn đề dịch bệnh, bao gồm cả sự tái cam kết đối với nguyên tắc Một Trung Quốc.
Những nỗ lực ấy đã đem lại kết quả.
Trong Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy vừa công bố tháng 10 năm nay, Trung Quốc đứng thứ hai về tầm ảnh hưởng trong khu vực, còn Australia xếp thứ 6. Mỹ đứng đầu bảng trong số 26 quốc gia theo đánh giá về 8 lĩnh vực, bao gồm văn hóa, ảnh hưởng ngoại giao, quân đội và năng lực kinh tế.