Trúng nhiều gói thầu, "cha đẻ" cầu Thăng Long vẫn chịu cảnh ảm đạm

Trịnh Thị Phương Ly |

Dù góp mặt tại nhiều gói thầu giao thông lớn, song tình hình kinh doanh của Tổng công ty Thăng Long lại không mấy khả quan khi lợi nhuận liên tục sụt giảm.

Tên tuổi gắn với những công trình lớn

Tổng công ty Thăng Long – CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được Bộ GTVT thành lập vào năm 1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long – cây cầu lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 2014, Tổng công ty Thăng Long chuyển sang mô hình công ty cổ phần với 300 tỷ đồng vốn điều lệ. Đến năm 2018, gần 42 triệu cổ phiếu Tổng công ty Thăng Long chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã TTL.

Với số vốn điều lệ là 419 tỷ đồng, hiện Công ty CP Tasco hiện đang là cổ đông tổ chức lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 38,61%. Tiếp đến là SCIC - đại diện vốn nhà nước với tỷ lệ sở hữu 25,05%. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn đều nắm 7,16% vốn và số còn lại thuộc về các cổ đông cá nhân khác.

Trúng nhiều gói thầu, cha đẻ cầu Thăng Long vẫn chịu cảnh ảm đạm - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Thăng Long

Trong suốt chặng đường gần 50 năm hoạt động, Tổng công ty Thăng Long được biết đến khi thi công hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn trên cả nước như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên …

Ngoài lĩnh vực mũi nhọn là thi công đường cao tốc, cầu lớn, Tổng công ty Thăng Long còn đảm nhiệm vai trò là nhà đầu tư tại các dự án hạ tầng giao thông: BOT QL38 Yên Lệnh - Vực Vòng, dự án BOT đường 188,…

Góp mặt tại nhiều gói thầu có quy mô nghìn tỷ đồng

Trong giai đoạn vừa qua, Tổng công ty Thăng Long công khai trúng nhiều gói thầu lớn, trong đó có những gói quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình là 2 gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, Tổng công ty Thăng Long góp mặt trong liên doanh trúng thầu tại dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết với gói thầu XL- 01 (đoạn Km134+000 - Km154+000) với giá trị 1.687 tỷ đồng.

Được biết, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km với tổng mức đầu tư khoảng 10.853 tỷ đồng do Bộ GTVT thực hiện.

Gói thầu thứ 2 trong dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam mà Tổng công ty Thăng Long được lựa chọn là gói số 4-XL, thi công xây dựng đoạn Km83+000 - Km99+000, đi qua địa bàn 5 xã của tỉnh Đồng Nai với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Theo đó, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Mới đây, Tổng công ty Thăng Long và một số đối tác đã trúng Gói thầu số 12 với nhiệm vụ thi công xây dựng phần đường cao tốc, cầu Đài Van, cầu Đài Xuyên 1, cầu cạn Km83+200, cầu Tiên Yên 1, cầu Tiên Yên 2 (Quảng Ninh) và Gói thầu số 27 Xây dựng cầu và nút giao thông cầu Rào 1 (Hải Phòng) với giá trị lần lượt là hơn 2.000 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Thăng Long đang làm ăn ra sao?

Tuy trúng thầu nhiều dự án với quy mô lớn, song tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này lại không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Kết thúc năm 2020, doanh thu hợp nhất của TTL đạt gần 730 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức thực hiện năm trước. Trong đó, nguồn thu đến từ hợp đồng xây dựng chiếm 97% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, việc kinh doanh sát giá vốn cộng với các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lãi sau thuế cả năm của doanh nghiệp chỉ còn hơn 12 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trúng nhiều gói thầu, cha đẻ cầu Thăng Long vẫn chịu cảnh ảm đạm - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Thăng Long trong những năm vừa qua

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Tổng công ty Thăng Long đạt 1.552 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 65%, tương đương 1.005 tỷ đồng. Cụ thể, khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của TTL đều tăng 25% và 12,5% so với năm 2019. Đáng chú ý, doanh nghiệp này hiện có khoản nợ xấu với giá trị gốc hơn 161 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi.

Lãnh đạo TTL cho biết, tình hình kinh doanh ảm đạm của công ty xuất phát từ một số dự án còn vướng thủ tục giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế nên chưa hoàn thành theo kế hoạch và diễn biến phức tạp của Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ các công trình. Bên cạnh đó các dự án trúng thầu, ký kết hợp đồng hầu hết đều ở nửa cuối năm 2020 nên chưa thể chuyển hoá thành doanh thu, lợi nhuận.

Kết thúc quý I/2021, Tổng công ty Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp này vẫn phải ngậm ngùi ôm khoản lỗ tới 3,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 789 triệu đồng.

Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24,4 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020. Song, kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I có thể sẽ là trở ngại lớn với Tổng công ty Thăng Long trong việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại