Những ngày gần đây, cuộc ly hôn ồn ào giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang tốn nhiều giấy mực của báo giới và dư luận.
Trong phiên tòa ngày 20 và 21/1, muôn trùng thông tin, lập luận được tung ra từ cả 2 phía khiến quá trình phân chia tài sản cũng như trợ cấp nuôi dưỡng con cái sau này chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi.
Duy chỉ có một điều cả ông Vũ và bà Thảo cùng đồng lòng: Họ sẽ ly hôn, không trở về bên nhau nữa. Bởi cuối phiên xét xử ngày 21/2, bà Thảo nhấn mạnh ly hôn với ông Vũ "là một quyết định sáng suốt". Còn ông Vũ cũng cho biết cuộc hôn nhân của họ cần phải kết thúc, vì "làm gì có người vợ nào lại đưa chồng vào nhà thương điên để chiếm quyền".
Vậy đâu là nguyên nhân phía sau cuộc hôn nhân tưởng chừng rất đẹp này, khi cả hai đã từng đi với nhau từ thời khó khăn, có chung 4 người con, cùng gây dựng khối tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng?
Theo lời ông Vũ tiết lộ trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi tháng 8 năm ngoái, cũng là lần đầu tiên ông tái xuất sau 5 năm lên núi thiền định, khởi nguồn của mâu thuẫn gia đình là việc ông muốn bà Thảo lui về hậu phương, chăm sóc con cái, vun vén gia đình sau những xung đột về cách ứng xử, về quan điểm phát triển của Trung Nguyên.
Theo đó, chủ tịch Trung Nguyên muốn đưa tập đoàn lên một chặng đường phát triển mới, tạo ra đạo cà phê tương tự như cách Nhật Bản tạo ra trà đạo.
"Cà phê nó kinh khủng lắm, không như những gì người anh em nhìn thấy đâu. Cà phê có hệ sinh thái vật chất; hệ sinh thái cà phê tinh thần và hệ sinh thái cà phê xã hội. Trung Nguyên phải xây dựng trên nền tảng đó. Trung Nguyên muốn đi xa phải khác cái gì, phải có gì đó đặc biệt", ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết.
Trong nhận thức của ông Vũ, Trung Nguyên đã đi qua chặng đường 20 năm, không còn tươi mới nữa, phải tái định vị, sắp đặt lại toàn bộ triết lý. Để làm được điều đó, Trung Nguyên cần chi 10-15% thậm chí 20% trong khoản doanh thu 5.000-6.000 tỉ đồng mỗi năm để đầu tư, nghĩa là có thể không có lãi nữa.
Tư duy này hoàn toàn khác với tư duy kinh doanh từ phía bà Thảo.
"Tất cả nằm ở trong này. Phải có cơ sở này, như một luận triết sau đó mới luyện, tất cả phải hiểu thì mới luyện được. Đến ngày hôm nay, có mấy người biết? Người vợ của Qua, cũng giống như mấy người đó, cũng có chút nhưng chỉ là học lóm, cóp nhặt mỗi nơi một chút thì đi đâu? Như một con buôn không bao giờ đi được xa. Trung Nguyên không thể được nuôi dưỡng như vậy được", Chủ tịch Trung Nguyên vừa nói vừa chỉ vào tập sách có tên gọi "Trung Nguyên cà phê triết đạo nhân sinh" do ông soạn.
Ảnh: Thanh Niên.
Giai đoạn sau này, một người bạn của gia đình ông chủ Trung Nguyên cũng khẳng định mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông Vũ, bà Thảo bắt nguồn từ khác biệt trong định hướng. Với bà Thảo, cũng như nhiều doanh nhân lương thiện khác, bà mong muốn kinh doanh để làm giàu cho mình và gia đình mình, đồng thời đóng góp nhiều thuế để làm giàu đất nước và chăm đời sống công nhân, thỉnh thoảng làm từ thiện.
Trong khi đó, ông Vũ tự đặt sứ mệnh doanh nhân của mình còn phải là nhà dẫn dắt tư tưởng, lối sống, tình thần cộng đồng không chỉ tầm quốc gia mà còn tầm nhân loại. Ông xác định xây Trung Nguyên theo hướng này.
Để thực hiện, ông có khuyên bà Thảo lui về chăm lo gia đình, ông sẽ tập trung phát triển Trung Nguyên nhưng bà Thảo không đồng ý.
"Qua nói để Qua làm cho Trung Nguyên nó lớn, còn cô ấy hãy lui về, để Trung Nguyên phát triển. Qua nói thế. Qua nói với luật sư, hãy coi 3 - 4 năm trước, cổ phần cổ phiếu của cô là bao nhiêu, bên này có đầu tư cái gì cũng đảm bảo cho cô cái tiền đó.Thế nhưng cứ từng li từng chút một để tranh cái quyền, tiền", Thanh Niên dẫn lời ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc gặp gỡ tháng 8 năm ngoái.
Vì không thu xếp được những khác biệt này, giai đoạn sau, ông Vũ và bà Thảo chấp nhận ra tòa ly dị. Tuy nhiên mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản, đặc biệt tỷ lệ cổ phần để dành quyền sở hữu Trung Nguyên khiến phiên tòa ngày 21/2 vừa qua chưa thể kết thúc.
Dự kiến chiều 25/2 vụ ly hôn đình đám này sẽ tiếp tục được xét xử.