Trong văn bản được ký thừa uỷ quyền của chủ tịch HĐQT Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vào đêm ngày 21/9, đại diện truyền thông của tập đoàn cho biết "bà Thảo đã cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt về vai trò người sáng lập Trung Nguyên và Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT".
Phía Trung Nguyên đưa ra dẫn chứng rằng tập đoàn này thành lập cơ sở kinh doanh vào ngày 15/8/1996, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là chủ cơ sở kinh doanh. Đến năm 1999, chuyển thành Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất Thành, P. Tân Lập, Buôn Ma Thuột.
Tháng 12/2002, Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên chuyển đổi thành Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên với hai thành viên là (Đặng Lê Nguyên Vũ) và cha là – ông Đặng Mơ.
Đến ngày 27/4/2007, từ Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên chuyển đổi thành công ty Cổ phần Cà Phê Trung Nguyên và theo Luật doanh nghiệp bắt buộc Công ty Cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông, vì vậy ông Vũ và cha của mình đồng ý cho bà Thảo tham gia vào cơ cấu công ty với tỷ lệ cổ phần là 10% vốn điều lệ.
Như vậy, bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007 và tính đến nay chỉ 11 năm.
"Do đó, việc bà Thảo rêu rao đã quản lý và điều hành Trung Nguyên hơn 20 năm là bịa đặt sai sự thật. Mặt khác, từ khi Trung Nguyên thành lập (năm 1996) đến nay, cơ cấu quản lý, điều hành không có chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ - là người đã gầy dựng Trung Nguyên, quản lý, phát triển nó từ những ngày đầu thành lập (năm 1996) đến nay", thông cáo này nêu rõ.
Trong quá trình cùng điều hành Trung Nguyên, đặc biệt trong khoảng 5 năm gần đây, giữa ông Vũ và bà Thảo phát sinh mâu thuẫn trầm trọng trong quan điểm điều hành, mục tiêu của tổ chức. Phía Trung Nguyên cho biết, ông Vũ đã có 3 năm thuyết phục bà Thảo rời khỏi vị trí điều hành để tạm lui về lo cho gia đình, lo cho các con nhưng đều không nhận được sự đồng thuận của bà Thảo.
Sau đó, hai bên đã liên tục gặp nhau tại toà để giải quyết 3 vụ kiện liên quan đến tài sản tại Singapore, việc bãi nhiệm chức vụ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở Trung Nguyên và yêu cầu ly hôn với nguyên đơn là bà Thảo.
Dù chỉ nắm trong tay lượng cổ phần thiểu số, bà Thảo vẫn được xem là cổ đông hợp pháp của doanh nghiệp này, do đó, được hưởng quyền lợi trả cổ tức theo luật doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình trả cổ tức kể từ năm 2015 lại không mấy suôn sẻ khi phía bà Thảo nói Trung Nguyên không chia cổ tức cho cổ đông bà; còn đại diện tập đoàn khẳng định, doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản chính thức yêu cầu bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chi trả.
Trước đó, theo các báo cáo được tiết lộ vào ngày 15/8, công ty Trung Nguyên Investment - đơn vị nắm giữ quyền kiểm soát đối với CTCP Tập đoàn Trung Nguyên cùng 2 pháp nhân khác là Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông - có 4 cổ đông tại thời điểm ngày 31/12/2016, gồm ông Vũ sở hữu 60%, bà Thảo sở hữu 30%. Bố mẹ ông Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước mỗi người nắm giữ 5%.
Đến năm năm 2017, số cổ phần của ông Đặng Mơ đã được chuyển nhượng toàn bộ cho ông Vũ (1,66%), bà Ước (1,68%) và những người khác. Cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và bà Ước nắm 6,68%.
Hai ngày sau, trong một chia sẻ trên trang cá nhân của mình vào tháng 8/2018, bà Thảo khẳng định mình là một trong hai thành viên sáng lập Trung Nguyên, bên cạnh ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thừa nhận quy định cổ phần hoá phải có tối thiểu 3 thành viên, bà Thảo tiết lộ người được đưa vào là "ba má anh" - ngược lại với những thông tin phía Trung Nguyên cung cấp.
"Con số thì "ghi đại", chồng 60%, vợ 30%, ba má chồng chung nhau 10%. Với chúng tôi khi ấy, việc chuyển tiền hay cổ phần cho nhau giống như việc mình tự chuyển tiền của chính mình, từ túi phải qua túi trái vậy. Tôi chưa bao giờ tính toán với anh bất cứ điều gì", bà Thảo nói rõ về tỷ lệ cổ phần nắm giữ của mình và các cổ đông liên quan, với con số không trùng khớp với nhận định của Trung Nguyên.