Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022.
Theo đó, trong năm vừa rồi, Trungnam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.
Tổng tài sản của Trungnam Group tại ngày 31/12/2022 đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Trungnam Group không biến động nhiều so với đầu năm, đạt mức 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.
Với tổng tài sản hợp nhất cuối năm 2022 đạt hơn 96.000 tỷ đồng, quy mô tài sản của Trung Nam hiện lớn hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng như PV GAS, BSR, Petrolimex hay EVN Genco3.
Trong năm 2022, Trungnam Group đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu TNGCB2122002 có tổng giá trị 600 tỷ đồng. Trong tháng 3 năm nay, Trungnam Group mới chỉ thanh toán được 30,58 tỷ đồng trong 300 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu TNGCH2223002 và 80 tỷ đồng trong 400 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu TNGCH2223001 đã đến ngày đáo hạn với lý do lãi suất tăng cao, kỳ thu tiền điện bình quân tăng đột biến ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp, công ty vẫn tiếp tục thu xếp nguồn thanh toán cho trái chủ.
Trước đó, một số công ty thành viên của Trungnam Group cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sút so với năm trước đó, riêng CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng lên gấp 3,6 lần năm trước đạt 281 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã công bố mức lỗ năm 2022 gần 859 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 1,4 tỷ đồng. Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm, đã hoàn thành trong năm 2021. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Trungnam Group đang sở hữu 4 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời, 3 dự án thủy điện. Trong đó, nhiều dự án có quy mô lớn như Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW (vốn đầu tư 16.500 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 500kv (vốn đầu tư 12.000 tỷ), Nhà máy điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW (6.000 tỷ), Nhà máy điện gió Trung Nam tổng công suất 151,95 MW (4.000 tỷ), Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW (3.500 tỷ), ...
Để tài trợ cho các dự án, Trungnam Group và các công ty thành viên đã phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Trung Nam Đắk Lắk 1 và NLTT Trung Nam lần lượt là 9.798 tỷ đồng và 9.271 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu của Trung Nam Đắk Lắk 1 gấp 3,33 lần vốn chủ sở hữu. Một số khác cũng có dư nợ trái phiếu lớn hơn vốn chủ là Trung Nam Thuận Nam (dư nợ trái phiếu/ VCSH là 2,04 lần) và Điện mặt trời Trung Nam (dư nợ trái phiếu/ VCSH là 1,81 lần).
Trungnam Group thành lập từ năm 2004, được lèo lái bởi 2 doanh nhân là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hiện nay là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.
Từ năm 2018, Trungnam Group bắt đầu tham gia vào dự án năng lượng tái tạo và gây được tiếng vang. Đến tháng 10/2021 Trung Nam đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia. Theo 1 báo cáo gần đây của VNDirect Research, Trungnam đang chiếm 7% thị phần điện năng lượng tái tạo, dẫn đầu trong ngành này.
Ngày 15/5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo như Trungnam Group.