THAAD được triển khai tại huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc - Hàn Quốc hồi năm 2017. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc và Hàn Quốc đang căng thẳng liên quan đến hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, từ đó làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng này.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 11-8 khẳng định việc triển khai THAAD tại nước này là vì mục đích phòng vệ. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh THAAD là vấn đề "chủ quyền an ninh" và không thể đem ra thảo luận với nước ngoài.
Theo Reuters, chính quyền ông Yoon Suk-yeol xem THAAD này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đối phó tên lửa Triều Tiên. Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2022, ông Yoon tuyên bố sẽ không duy trì nguyên tắc "3 không" của chính quyền tiền nhiệm, gồm không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và không tham gia liên minh quân sự ba bên với Washington và Tokyo. Khi còn vận động tranh cử, ông Yoon thậm chí cam kết mua thêm một khẩu đội THAAD.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc hiện tập trung vào việc "bình thường hóa" hoạt động của hệ thống đã được triển khai tại huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc. Hãng tin Yonhap hôm 11-8 dẫn lời một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết căn cứ THAAD này gần như có thể hoạt động bình thường vào cuối tháng 8. Trước đó, THAAD được đặt trong tình trạng "lắp đặt tạm thời" do một số lý do, trong đó có chờ đánh giá tác động môi trường.
Hàn Quốc có phản ứng trên sau khi Trung Quốc yêu cầu Seoul không triển khai thêm THAAD và hạn chế sử dụng các hệ thống hiện tại. Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có thể được sử dụng để giám sát lãnh thổ mình, từ đó làm tổn hại lợi ích an ninh chiến lược Trung Quốc. Sau khi Hàn Quốc thông báo triển khai THAAD hồi năm 2016, Trung Quốc đã có một loạt động thái trả đũa, giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương.
Hôm 9-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin tại tỉnh Sơn Đông. Một phần nội dung cuộc hội đàm bàn về việc nối lại xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc sang Trung Quốc.
Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hàn Quốc đã nhất trí hạn chế hoạt động của THAAD hiện có và tuân thủ nguyên tắc "3 không". Nhưng Seoul đã bác bỏ tuyên bố này. Phát biểu sau chuyến thăm Trung Quốc , ông Park nhấn mạnh nguyên tắc "3 không" không phải là thỏa thuận chính thức hoặc cam kết với Trung Quốc. Theo quan chức này, THAAD sẽ tiếp tục là trở ngại trong quan hệ 2 nước nếu Trung Quốc tiếp tục đề cập.
Theo hãng tin Yonhap, giới phân tích nhận định tuyên bố mới của Trung Quốc dường như nhằm gây sức ép lên chính quyền ông Yoon, vốn đang nỗ lực củng cố liên minh Seoul - Washington và "bình thường hóa" hoạt động của hệ thống THAAD hiện có.
Sức ép này dự kiến còn tăng, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trên nhiều mặt trận, trong đó có an ninh hàng hải và thương mại. Ông Nam Chang-hee, chuyên gia tại Trường ĐH Inha (Hàn Quốc), cho rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực tối đa để ép chính quyền ông Yoon không nghiêng về phía Mỹ.
Mặt khác, tranh cãi mới nhất cũng là lời nhắc nhở về những thách thức sắp tới của Seoul trong việc xử lý quan hệ với Bắc Kinh. Ông Kim Tae-hyung, chuyên gia của Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc) dự báo giai đoạn căng thẳng hiện nay có thể kéo dài do cả Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Yoon đều không thể nhượng bộ về vấn đề THAAD.