Tuy nhiên, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua có thể khiến Washington không có đủ đòn bẩy để thuyết phục Israel và các bên liên quan khác trong khu vực làm theo ý mình trước khi chính quyền mới tiếp quản.
Theo một số nguồn tin và chuyên gia phân tích độc lập, các quan chức cấp cao của Mỹ đã dành nhiều tháng ở Trung Đông để thúc đẩy đàm phán, nhưng nay sẽ gặp phải những người đồng cấp không muốn làm thêm điều gì trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump hứa sẽ mang lại hòa bình cho Trung Đông nhưng không nói rõ sẽ thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, nếu nhiệm kỳ thứ 2 của ông là sự tiếp nối nhiệm kỳ đầu, nhà lãnh đạo mới của Mỹ có thể sẽ ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn Tổng thống Joe Biden.
Ngày 7/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, chấm dứt chiến tranh ở Li-băng và tăng cường viện trợ nhân đạo. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi cho đến trưa ngày 20/1/2025".
Nhưng khi Tổng thống Biden bước vào giai đoạn “vịt què”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - đồng minh của ông Trump, và các nhà lãnh đạo Ả-rập có thể sẽ không làm gì nhiều để chiều lòng vị tổng thống của đảng Dân chủ.
"Họ có ít động lực vào thời điểm này. Họ có thể vẫn trả lời các cuộc điện thoại của Mỹ, nhưng đều chờ một chính quyền mới với những chính sách và ưu tiên khác”, Brian Finucane, cố vấn cấp cao của chương trình về Mỹ của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định.
Kể từ chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử ngày 5/11, các quan chức Ả-rập và Israel đã bắt đầu đặt cược.
Những quan chức Ai Cập đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza đang chờ xem kế hoạch của ông Trump sẽ được thực hiện như thế nào đối với khu vực này, Reuters dẫn các nguồn tin Ai Cập cho biết.
Khi thế giới theo dõi cuộc bầu cử Mỹ, Thủ tướng Israel Netanyahu đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant – nhân vật được lòng chính quyền Biden.
Hamas đã thúc giục ông Trump "rút kinh nghiệm từ những sai lầm của (Tổng thống) Biden", còn Hezbollah cho biết họ không đặt nhiều hy vọng vào sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Israel.
Trong khi đó, các quan chức Chính quyền Palestine cho biết vẫn sẽ làm việc với các trợ lý của Tổng thống Biden cho đến khi ông Trump nhậm chức.
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng đòn bẩy của chính quyền ông Biden đã bị xói mòn sau cuộc bầu cử vừa qua, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng chỉ nói: "Tôi sẽ không suy đoán về những điều giả định".
Thủ tướng Netanyahu và các đồng minh của ông đã ăn mừng chiến thắng của ông Trump, với hy vọng rằng vị tổng thống đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ Israel vô điều kiện. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã mang lại chiến thắng lớn cho nhà lãnh đạo Israel.
Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông Trump nói: "Tôi sẽ không khơi mào chiến tranh. Tôi sẽ ngăn chặn các cuộc chiến tranh", nhưng ông không giải thích thêm.
Sự ủng hộ của Tổng thống Biden với Israel đã gây chia rẽ trong đảng Dân chủ và lấy đi phiếu bầu cử nhiều cử tri gốc Ả-rập dành cho bà Harris trong cuộc bầu cử vừa qua.
Một số nhà phân tích tin rằng ông Trump có thể trao cho Thủ tướng Netanyahu nhiều quyền tự do hơn để hành động với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
"Ông Netanyahu biết rằng ông Trump sẽ trao cho ông ấy toàn quyền thực hiện kế hoạch của mình, vì vậy ông ấy giờ đang chờ thời cơ", Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền Obama, nhận định.