Trung Đông cận kề bước ngoặt trọng đại: Saudi nỗ lực phá rào cản cuối cùng, đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sau khi Mỹ giảm bớt các cam kết về an ninh với các đồng minh vùng Vịnh, giới tinh hoa Ả Rập bắt đầu nhận thấy cần phải tự giải quyết các vấn đề về an ninh của mình.

Ngày 14/4/2023, hội nghị ngoại trưởng các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) mở rộng 6+3 đã được triệu tập tại thành phố Jeddah, với sự tham gia của nước chủ nhà Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar, Kuwait. Ai Cập, Jordan và Iraq được mời vì có liên quan nhiều đến cuộc xung đột Syria.

Mục đích chính của hội nghị là thảo luận những diễn biến mới nhất của tình hình Syria và khả năng đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL).

Kết quả của hội nghị Jeddah

Tuy vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL, hội nghị Jeddah đã ra tuyên bố chung hết sức quan trọng.

Nội dung chính là ủng hộ các thể chế nhà nước Syria trong việc bảo về "sự thống nhất, an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và đưa Syria trở lại với các nước Ả Rập, đồng thời "chấm dứt sự hiện diện của các nhóm vũ trang và sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria. 19/22 nước thành viên AL đã đồng ý đưa Syria trở lại AL.

Tuyên bố chung nêu rõ sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, tạo điều kiện cho sự hồi hương an toàn của người tị nạn Syria và "thực hiện mọi biện pháp để ổn định tình hình" trên toàn bộ lãnh thổ nước này.

Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng hàng đầu của các nước Ả Rập trong việc tìm ra giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuyên bố cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria chỉ có thể giải quyết được bằng giải pháp chính trị.

Mặt khác, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan và Ngoại trưởng Syria Faisal Al-Mikdad gặp nhau trước ngày khai mạc hội nghị cũng đã đưa ra một tuyên bố chung nêu rõ Ả Rập Saudi ủng hộ việc đưa Syria trở lại AL, ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Trung Đông cận kề bước ngoặt trọng đại: Saudi nỗ lực phá rào cản cuối cùng, đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập - Ảnh 1.

19/22 nước thành viên AL đã đồng ý đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL).

Nhiều nước Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Syria

Sau khi cuộc xung đột Syria bùng nổ năm 2011, nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, đóng cửa đại sứ quán của họ ở Damascus, Liên đoàn các quốc gia Ả Rập (AL) đình chỉ tư cách thành viên của Syria.

Gần đây, đã có những nỗ lực trong khu vực nhằm chấm dứt tình trạng cô lập của Syria. Trong hai tháng qua Tổng thống Syria B. Al-Assad lần đầu tiên đã thăm Oman và UAE, kể từ khi xung đột Syria bùng nổ năm 2011.

Ngoại trưởng Syria Faisal Mikdad cũng lần đầu tiên thăm Ai Cập, Jordan và Ả Rập Saudi. UAE, Oman, Bahrain, Tunisia đã mở lại Đại sứ quán tại Damascus.

Hiện nay, Ả Rập Saudi là nước dẫn đầu các cố gắng để đưa Syria trở lại AL. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Faisal bin Farhan sẽ thăm Damascus thời gian tới để trao lời mời chính thức tới Tổng thống B. Al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh Ả Rập dự kiến tổ chức vào ngày 19/5/2023.

Ông cho biết Ả Rập Saudi và Syria đã đồng ý mở lại Đại sứ quán tại thủ đô hai nước sau 12 năm cắt đứt quan hệ và nối lại đường bay giữa hai phía.

Trung Đông cận kề bước ngoặt trọng đại: Saudi nỗ lực phá rào cản cuối cùng, đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập - Ảnh 2.

Các nước Ả Rập không muốn Syria nằm trong quỹ đạo của Tehran.

Nguyên nhân thúc đẩy việc đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập

Tình hình Trung Đông đang chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng chung giảm căng thẳng. Sau ba năm rưỡi lạnh nhạt, năm 2020, các nước vùng Vịnh đã bình thường hóa quan hệ với Qatar.

Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã bình thường hóa với Ả Rập Saudi, UAE và Ai Cập. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đang có dấu hiệu tan băng. Đặc biệt, tháng 3/2023, hai nước lớn nhất khu vực Trung Đông là Ả Rập Saudi và Iran sau 7 năm thù địch đã nối lại quan hệ ngoại giao.

Ngày 13/4/2023, Qatar cũng đã khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Bahrain sau nhiều năm bất đồng. Cuộc nội chiến Yemen kéo dài từ 2015 đến nay bắt đầu lắng dịu và có nhiều triển vọng sẽ được giải quyết. Lần đầu tiên Ả Rập Saudi đã gặp và hội đàm với người Houthi do Iran hậu thuẫn.

Các nhà lãnh đạo khu vực nhận thấy rằng, những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đã không thành công.

12 năm qua, các lực lượng đối lập được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước phương Tây và vùng Vịnh đã không làm thay đổi được tình hình Syria. Tổng thống B. Al-Assad vẫn đứng vững và nắm giữ quyền lực. Trong tương lai, không có cách nào khác là phải xây dựng quan hệ với ông.

Tổng thống B. Al-Assad là một chính trị gia có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm. Bên ngoài, ông được Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều nước ủng hộ, trong nước đại đa số người dân ủng hộ ông.

Trong khi đó, phe đối lập không có gương mặt nào có thể đáp ứng được yêu cầu cầm lái đất nước phù hợp với chính sách đối ngoại của Ả Rập Saudi và các nước Ả Rập trong tình hình mới.

Trung Đông cận kề bước ngoặt trọng đại: Saudi nỗ lực phá rào cản cuối cùng, đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập - Ảnh 3.

Syria là một trong những nước thành lập AL năm 1945 và có vai trò rất quan trọng đối với khu vực Trung Đông.

Trong khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ leo thang liên quan đến xung đột ở Ukraine, Washington tiếp tục thi hành chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, đối đầu với Trung Quốc giảm bớt sự hiện diện của mình tại Trung Đông.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, Afghanistan, giảm bớt cam kết về an ninh với các đồng minh vùng Vịnh, giới tinh hoa Ả Rập bắt đầu nhận thấy không thể dựa vào Mỹ nữa mà phải tự thân vận động, tự giải quyết các vấn đề về an ninh của mình.

Để thực hiện được mục tiêu này, việc hòa giải, chấm dứt các cuộc xung đột với những người anh em Ả Rập là hết sức cần thiết.

Mặt khác, khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL, các nước Ả Rập hy vọng sẽ làm suy yếu vị thế của Iran tại nước này. Các nước Ả Rập không muốn Syria nằm trong quỹ đạo của Tehran, mặc dù Ả Rập Saudi đã bình thường hóa quan hệ với Iran.

Ả Rập Saudi cũng cần sự ủng hộ của Syria trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Lebanon, nước láng giềng mà Syria có ảnh hưởng lớn.

Syria là một trong những nước thành lập AL năm 1945 và có vai trò rất quan trọng đối với khu vực Trung Đông, việc loại Syria khỏi AL và tiến trình chính trị chung ở Trung Đông hoàn toàn không có lợi đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Công cuộc tái thiết Syria sau chiến tranh cũng sẽ không thể thực hiện được nếu tiếp tục bao vây, cấm vận và cô lập Syria. Đồng thời Riyadh hiện đang cố gắng hòa giải với các nước khu vực để tập trung thực hiện các dự án “Tầm nhìn 2030” đầy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm đa dạng hóa các nguồn lực của nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.

Việc đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập cần sự đồng thuận của 22 quốc gia thành viên. Đến nay chỉ còn 3 nước là Qatar, Kuwait và Morocco chưa đồng ý do một vài lý do riêng biệt.

Ả Rập Saudi đang tìm cách thuyết phục các nước này để đạt được sự nhất trí chung. Quyết định cuối cùng về việc khôi phục tư cách thành viên của Syria trong AL sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Ả Rập vào ngày 19/5 tới tại Riyadh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại