Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/12 tại Toà nhà Triển lãm - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy - Hà Nội).
Đây là lần đầu tiên Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hợp tác cùng Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tổ chức triển lãm - nhân dịp 120 năm kỉ niệm ngày khánh thành cầu Long Biên (1902-2022) và hướng tới kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (1973-2023).
Ảnh cầu Long Biên bị hư hỏng khoảng năm 1966-1972.
Đây cũng là cuộc triển lãm phối hợp lần đầu tiên giữa hai cơ quan và có sự tham gia cung cấp tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM).
Theo Ban tổ chức, cầu Long Biên nay đã tròn 120 tuổi. Việc xây dựng cây cầu với các mục đích chính trị và kinh tế hay những trận bom đạn dội xuống cây cầu trong quá khứ đến nay đã trở thành những câu chuyện lịch sử.
Sơ đồ tổng thể cầu bắc qua sông Hồng được vẽ ngày 25/5/1897.
Ngày nay, bên cạnh chức năng phục vụ giao thông, cầu Long Biên được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Cây cầu giăng qua 3 thế kỉ đã trở thành nhân chứng lịch sử của thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Triển lãm ‘Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử’ sẽ giới thiệu tới đông đảo công chúng hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi.
Ảnh chụp cầu Long Biên khoảng năm 1950.
Triển lãm được tô điểm thêm bằng các bức tranh, ảnh và hiện vật của các nhiếp ảnh gia, các cá nhân trong và ngoài nước. Đóng góp của cá nhân trong cộng đồng góp phần vẽ lên một bức tranh đa sắc về cây cầu cho đến ngày nay.
Triển lãm được bố cục theo dòng thời gian thành 3 phần: Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ! - Bên cầu Long Biên - Kí ức cầu Long Biên trong chúng ta.
Đòi sống ngày nay bên cầu Long Biên - ảnh NSNA Lê Huy.
Triển lãm tập trung giới thiệu tài liệu và hình ảnh về việc xây dựng, mở rộng, sửa chữa và đời sống bên cây cầu cũng như kí ức về cây cầu trong suốt chiều dài lịch sử.
Ban tổ chức hy vọng triển lãm sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý di sản, người nghiên cứu và đông đảo công chúng những tài liệu có giá trị về cây cầu, đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản kí ức.