Phần 1: Có hay không một "nhà nước ngầm" siêu quyền lực, thao túng cả chính phủ Mỹ?
Trump đắc cử một phần bởi ông là "kẻ ngoại đạo". Ông đứng ngoài "hệ thống lãnh đạo" và hứa sẽ "tát cạn đầm lầy" - tức là loại trừ những nhân vật tinh hoa của Washington, những người không mấy quan tâm tới tầng lớp bình dân Mỹ. Ông Trump tin rằng nhà nước ngầm là một phần của đầm lầy và cần phải loại bỏ. Bannon từng có rất nhiều phát ngôn cũng như bình luận cho thấy, Trump thực sự căm ghét giới tinh hoa và muốn giảm bớt quyền lực, thu hẹp quy mô của hệ thống quan liêu, đặc biệt là nhà nước ngầm.
Trump bắt đầu tấn công nhà nước ngầm ngay từ những ngày đầu chân ướt chân ráo vào Nhà Trắng năm 2017, mở màn bằng một cuộc tấn công toàn diện nhắm tới chương trình khí hậu của ông Obama. Mỉa mai ở chỗ, tân Tổng thống Mỹ lại sử dụng đúng phương thức mà ông Obama đã dùng. Đó là "kỹ thuật đảo ngược" - khai thác nhà nước ngầm để phá hủy nó.
Ông Trump đã nhiều lần gọi biến đổi khí hậu là "trò lừa đảo" và cho rằng EPA cũng như nhiều dự án môi trường khác là không cần thiết.
Trump đã ban hành mệnh lệnh hành pháp và gỡ bỏ nhiều điều lệ để xóa sổ hoặc đình chỉ nhiều chương trình, cũng như chính sách liên quan tới khí hậu. Kế hoạch Năng lượng Sạch (CPP), trọng tâm chương trình năm 2014 của ông Obama, là một ví dụ.
EPA của ông Obama yêu cầu các bang phải vạch ra kế hoạch, mà về cơ bản sẽ loại bỏ tất cả những nhà máy điện chạy bằng than để giảm phát thải carbon. CPP sẽ khiến các ngành công nghiệp Mỹ tê liệt bởi "cuộc chiến chống than đá" của ông Obama. Trước khi Trump nắm quyền, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng CPP vi phạm quyền của các bang và cần được sửa đổi. Ông Trump đã yêu cầu đánh giá lại CPP. Chương trình bị ngừng và Trump đã cứu được than đá, trước sự thất vọng của các nhà vận động vì môi trường.
Chắc chắn bà Hillary Clinton đã thua cuộc trong kỳ bầu cử bởi khi vận động tranh cử, bà tuyên bố ủng hộ xóa bỏ ngành công nghiệp than của Mỹ ở Tây Virginia và Pennsylvania, còn Trump thì hứa sẽ cứu lấy nó.
Scott Pruitt, tân giám đốc EPA, đã chấm dứt thông lệ cho phép các nhóm vận động thảo ra luật liên bang, cũng như điều lệ. Thay vào đó, ông dành quyền này cho các tập đoàn và những người vận động hành lang. Quyết định của Pruitt đã xóa bỏ hoàn toàn phương thức làm luật của nhà nước ngầm.
Scott Pruitt, tân giám đốc EPA. Ảnh: Getty
Ngoài cứu than đá, Trump cũng tìm cách bãi bỏ quy định "Nước của Mỹ" - điều lệ đã phân quyền quản lý nước về các bang; và hủy bỏ chương trình giảm phát thải "cap and trade" của EPA. Cả hai đều giữ vai trò quan trọng trong di sản về môi trường của Obama.
Hồi tháng 8, ông Trump đã đánh một đòn mạnh nhằm vào ông Obama khi rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước Paris, trọng tâm trong lập trường về biến đổi khí hậu của cựu Tổng thống. Phải tới năm 2020, khi một tân tổng thống xuất hiện, quyết định này mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nó vẫn tạo ra một ảnh hưởng mang tính biểu tượng: Nước Mỹ sẽ không giữ vị trí dẫn dắt trong các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu nữa.
Giám đốc EPA của Trump, Scott Pruitt, hiểu rằng, nhà nước ngầm tồn tại được là vì có nguồn ngân sách dồi dào. Ngay khi được bổ nhiệm, Pruitt đã đề xuất cắt giảm 1/3 ngân sách cấp cho EPA. Đề xuất này khiến nhân lực của các cơ quan giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Quá bức xúc, gần 1.000 công chức đã quyết định nghỉ hưu, thay vì đối đầu với Trump. Nhà nước ngầm đã mất khá nhiều chỗ đứng trong cơ quan then chốt ấy.
Ông Pruitt cũng xử lý chương trình nghiên cứu, vốn hoạt động nhằm hợp thức hóa lập trường của ông Obama.
Trong khi hội đồng nghiên cứu thuộc EPA của ông Obama gồm toàn các nhà vận động chống biến đổi khí hậu thì Pruitt lại bổ nhiệm rất nhiều đại diện tập đoàn thuộc các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng của quy định về khí hậu vào các vị trí đó. Quỹ nghiên cứu cho các vấn đề khí hậu gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Pruitt còn yêu cầu lên danh sách tất cả các nhà nghiên cứu khoa học về chống biến đổi khí hậu.
Ẩn ý đằng sau hành động này là: Pruitt muốn tìm kiếm các mục tiêu để chính phủ ra tay loại bỏ. Các nhà khoa học có một hiệp hội, hiện đang gây quỹ để cản trở Pruitt và Trump.
Pruitt và Nhà Trắng đã xóa sổ tất cả những trang web viện dẫn những thành tựu và triết lý về biến đổi khí hậu của Obama, vốn hoạt động từ hồi ông còn tại nhiệm. Ông Trump tin rằng các trang web này chỉ toàn khẩu hiệu tuyên truyền.
Ngay từ khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ, nhà nước ngầm đã tuyên chiến với ông một cách rất gay gắt. Financial Times hồi tháng 8 đã đăng tải bài viết "Tôi trung của Trump chỉ trích về việc 'nhà nước ngầm nổi loạn'".
Các công chức trong nhà nước ngầm bắt đầu tìm cách ngăn cản Trump và Pruitt. Họ tạo ra một ứng dụng mã hóa để chia sẻ thông tin mật trên điện thoại. Tổ chức Judicial Watch (tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho tính minh bạch và chính trực của luật pháp và chính quyền - ND) đã kiện EPA và cho rằng các thông tin mã hóa phải được công khai.
Nhà nước ngầm còn sử dụng các trang mạng xã hội ẩn danh để chia sẻ thông tin. Họ đăng tải "Cẩm nang Kháng cự" để cản trở Trump. Họ tổ chức các buổi hội thảo, bàn cách để không bị Trump cách chức và làm thế nào để chống đối. Một số cơ quan còn cung cấp các khóa tư vấn cho những công chức không đối phó được với Trump.
Các công chức bắt đầu tiết lộ thông tin cho bất cứ ai có khả năng lên tiếng phản đối chính quyền mới. Họ tuồn báo cáo "Đánh giá Khí hậu Quốc gia" từ chương trình nghiên cứu khoa học về khí hậu cho NY Times để ngầm "phá" Trump, nhưng tờ báo này đã khiến mọi chuyện bung bét khi tuyên bố rằng tài liệu này chưa từng được công khai. Thực ra, nó đã hiện diện trên trang web của EPA được 7 tháng.
Truyền thông chính thống đang tích cực ủng hộ nhà nước ngầm công kích Trump. Họ đăng tải gần như mọi thông tin rò rỉ từ nhà nước ngầm khi bộ phận này tấn công Trump. Trong đó, NY Times, Washington Post và CNN là đóng góp không ít công sức.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, khoảng 90% tin bài về Trump là tiêu cực. Báo cáo của Thượng viện Mỹ cho thấy, lượng thông tin bị rò rỉ dưới thời Trump cao gấp 7 lần so với Obama.
Thậm chí từ trước khi ông bắt đầu nhiệm kỳ của mình, đối thủ của ông - Đảng Dân chủ, truyền thông đại chúng, các nhà vận động công bằng xã hội, các nhà cấp tiến, các học giả, Hillary Clinton cùng những người ủng hộ bà, những thành viên Đảng Cộng hòa nhưng "không ủng hộ Trump" và những người có quan điểm bất mãn - đều liên kết với nhau tạo thành "Phe Kháng cự", nỗ lực cản trở Trump khi ông cố theo đuổi lập trường của mình và cuối cùng là tìm cách buộc tội ông, hoặc đẩy ông ra khỏi Nhà Trắng.
Phát thanh viên bảo thủ Mark Levine gọi đó là "cuộc lật đổ trong im lặng". Trong chương trình Sean Hannity trên Fox TV, Trump đã gọi nhà nước ngầm là những kẻ phá hoại lập trường của chính quyền ông.
Bên cạnh đó, phe Kháng cự muốn làm nước Mỹ trở nên "bất trị", một phong trào chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Phe Kháng cự còn muốn phá hoại danh tiếng của Mỹ trên thế giới nhằm cản trở Trump.
Hồi tháng tư, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra bên ngoài Nhà Trắng và trên khắp đất nước, hưởng ứng theo sự kiện "People’s Climate March" (tạm dịch: Biểu tình vì Khí hậu của Nhân dân). Trước đó là hoạt động tuần hành "March for Science" (tạm dịch: Biểu tình vì Khoa học) nhằm phản đối ý định loại bỏ chương trình nghiên cứu về khí hậu của EPA. Dù Trump có làm gì thì biểu tình chắc chắn vẫn sẽ xảy ra.
Biểu tình trong sự kiện "People's Climate March". Ảnh: NRDC
Thậm chí, Học viện Khoa học Quốc gia (NAS) đầy uy tín còn tổ chức một buổi hội thảo ở quy mô quốc gia để đánh giá phí tổn xã hội của các vấn đề khí hậu dù Trump, ở cương vị Tổng thống, đã ký một sắc lệnh hành pháp, chỉ đạo các cơ quan không sử dụng các tiêu chuẩn phí tổn xã hội. Các nhà khoa học tại NAS đã quyết định khiến Trump mất mặt bằng cách phớt lờ mệnh lệnh của ông.
Về vấn đề nghiên cứu, các công chức thuộc nhà nước ngầm sợ Pruitt phá hoại hoặc giấu các cơ sở dữ liệu quan trọng với Obama, nên đã bắt đầu sao chép dữ liệu và cất giấu ở một địa điểm bên ngoài EPA. Rõ ràng hành động này là trái luật.
Cũng như trước đây, khi các bang Cộng hòa đưa Obama ra tòa, giờ tới lượt đảng Dân chủ trả thù. Một liên minh gồm nhiều bang Dân chủ đang kiện Trump vì ông tìm cách xóa bỏ Kế hoạch Năng lượng Sạch.
Những người ủng hộ Trump thường nhắc tới lời hứa của ông Obama, rằng ông đã cam kết xây dựng một chính quyền minh bạch nhất lịch sử.
Tuy nhiên EPA và nhiều cơ quan khác, theo Breitbart, đã xóa email, cũng như những ghi chép về hoạt động bí mật của họ một cách có hệ thống - bằng chứng cho thấy nhà nước ngầm đã ra tay. Để trả đũa, các Thượng Nghị sĩ Dân chủ đã thu thập những email trước đây của Pruitt và tìm cách có được chứng chỉ hành nghề luật của ông.
Ví dụ, năm 2015 EPA đã làm vỡ một cái đập, xả hàng triệu gallon chất thải độc hại vào sông Colorado, vốn là nơi có cảnh sắc tuyệt vời. Ban đầu họ tìm cách che giấu sự việc, sau đó thì đổ lỗi cho các công ty và cuối cùng phải nhận trách nhiệm khi phóng viên điều tra chỉ ra các sai phạm của họ.
Nhiều người tin rằng đây chính là minh họa cho cách vận hành của nhà nước ngầm: Không bao giờ chịu trách nhiệm. EPA vẫn đang "trì hoãn" thanh toán cho những thiệt hại trị giá hàng triệu USD.
Sông Colorado bị "nhuộm vàng" vì ô nhiễm. Ảnh: CNN
Trump là kẻ thù của chính mình trên nhiều phương diện. Ông không thành công khi bổ nhiệm các quan chức trong chính phủ. Trump được quyền chỉ định 4.000 quan chức cấp cao để điều hành các cơ quan nhưng số người ông bổ nhiệm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chính phủ của ông chưa sẵn sàng, chưa suy tính tới việc ai sẽ đại diện cho ông đứng ở vị trí lãnh đạo các cơ quan sau bầu cử.
Đảng Dân chủ trong Quốc hội tất nhiên không sẵn lòng giúp đỡ. Họ cản trở gần như tất cả các đợt bổ nhiệm. Đáng buồn là Pruitt phải bổ sung thêm 10 đặc vụ để bảo vệ mình 24/7.
Không may là cả Trump và Obama đều tạo ra một di sản tiêu cực, sẽ ám ảnh hệ thống lãnh đạo Mỹ rất lâu sau khi họ rời nhiệm sở.
Đó là hợp pháp hóa nhà nước ngầm bằng cách trao quyền cho nó, rồi lại sử dụng những phương pháp thiếu minh bạch để trung hòa nó. Cả hai đều khiến người dân mất lòng tin ở chính phủ và tiến trình chính trị. Cả hai đều khiến hệ thống lãnh đạo mất đi quyền lực, khiến nó bị khuất phục trước tham nhũng, vận động hành lang, vô số các cuộc kiện tụng, biểu tình bạo động và bất ổn xã hội. Chính quyền thì phân cực hơn bao giờ hết.
Có lẽ tổn thất lớn nhất là, cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu đã trở nên xấu xí tới mức Mỹ sẽ không bao giờ làm những điều cần thiết để cứu lấy môi trường. Có lẽ các thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá đắt cho những năm tháng cầm quyền của Trump và Obama.
Những tổ chức liên quan tới khí hậu không phải là cơ cấu nhà nước ngầm duy nhất. Có vẻ như các cơ quan Tình báo và An ninh Quốc gia Mỹ đã tạo nên cả một ngành công nghiệp chỉ tập trung nhằm hạ bệ Trump.
Các thông tin tối mật với độ nhạy cảm cao bị rò rỉ hàng ngày. Tin tức thất thiệt nhằm vào Trump thì phổ biến. Hiện giờ, Trump đang vướng vào một cuộc tấn công pháp lý, được thực hiện để chỉ ra rằng Trump cùng các cộng sự đã thông đồng với các điệp viên Nga để giành chiến thắng trước Hillary Clinton và cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Trump. Robert Mueller, công tố viên đặc biệt, đã được chỉ định điều tra Trump.
Hoạt động này diễn ra một cách bí mật nên thuyết âm mưu về nhà nước ngầm đã nổi lên như nấm sau mưa. Mueller vốn là cựu giám đốc của FBI - cũng có thể là một tổ chức của nhà nước ngầm.
Và người Mỹ băn khoăn, liệu sự điên cuồng này có bao giờ chấm dứt hay không?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.