Tạm gác những gì mà Tổng thư ký NATO nói là "những bất đồng nghiêm trọng" trong liên minh, các bộ trưởng quốc phòng dự kiến sẽ nhất trí về kế hoạch bảo vệ Bắc Đại Tây Dương chống lại sự tăng cường sức mạnh hải quân của Nga . Cụ thể là việc di chuyển quân nhanh chóng hơn khắp Châu Âu và triển khai nhiều tiểu đoàn, tàu và máy bay sẵn sàng chiến đấu hơn.
"Chúng ta thấy những bất đồng về thương mại... về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là những bất đồng nghiêm trọng giữa các đồng minh NATO", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước báo giới vào đêm trước cuộc họp.
Theo Reuters, trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng dự kiến sẽ tìm cách làm giảm bớt căng thẳng với các đồng minh Châu Âu. Tuy nhiên, ba nhà ngoại giao NATO tiết lộ rằng, họ thất vọng khi ông Donald Trump quyết định nhắm mục tiêu vào Châu Âu trong rất nhiều vấn đề khác nhau.
Các nhà ngoại giao cho biết, những phát ngôn khiêu khích và không nhất quán của ông Donald Trump về NATO đã chuyển thành chính sách trực tiếp thách thức các ưu tiên của Châu Âu . Đó là việc Mỹ đánh thuế kim loại, rút khỏi hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran.
Các nhà ngoại giao NATO cho rằng, họ thấy Tổng thống Mỹ dường như thiếu sự sự quan tâm tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà Châu Âu và Canada vun đắp.
“Ngoại trưởng Mike Pompeo đến NATO vào tháng 4 và gây ấn tượng rất tích cực, tất cả mọi người tôn trọng, ngưỡng mộ Jim Mattis. Nhưng có một nỗi sợ hãi và bất an về những gì ông Trump sẽ làm tiếp theo”, một nhà ngoại giao tiết lộ.
Dự kiến ông Donald Trump dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào tháng 7 tới, một năm kể từ khi ông đến liên minh và công khai nhắc nhở các đồng minh không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
Dù vậy, các nhà ngoại giao và nhà phân tích của NATO dự đoán rằng, các Bộ trưởng quốc phòng Châu Âu dường như sẽ không chỉ trích ông Donald Trump trong cuộc họp hôm 7.6, bởi vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ Châu Âu chống lại Nga.
“Một mặt họ muốn bảo vệ mối quan hệ rất hiệu quả và tích cực này. Mặt khác, họ phải chuyển đến (ông Mattis) một thông điệp rằng, đây là một tình huống chính trị không thể tiếp tục mà Nhà Trắng đã đặt họ vào”, Heather Conley - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) nói.