Ông Trump mời ông Duterte thăm Nhà Trắng: Sao phải chơi trò lập lờ, mập mờ, giả vờ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Lợi ích chung trong mối quan hệ Mỹ-Philippines là thật, còn tác nhân khiến Trump và Duterte phải "vờ" với nhau chính là Trung Quốc.

Thời điểm có thể là tình cờ nhưng cũng có thể không phải vậy khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte điện đàm với nhau sau khi hội nghị cấp cao của ASEAN lần thứ 30 ở Manila bế mạc ngày 29/4 vừa qua.

Hội nghị này được chủ trì bởi ông Duterte, tuyên bố chung của nó đã không đề cập gì đến phán quyết của Toà án trọng tài thường trực của LHQ phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, nhưng lại có những nội dung khiến Trung Quốc không thể không hoan nghênh.

Đỉnh điểm của sự kiện bất thường này là việc ông Trump mời ông Duterte sang Mỹ. Ông Duterte không từ chối lời mời nhưng lại cho rằng vì rất bận nên chưa biết có sang Mỹ gặp ông Trump hay không.

Cách trả lời với nội dung như thế hàm ý ông Duterte hiện không có ý định nhận lời mời của ông Trump để đi Mỹ, vì thời điểm chuyến đi chưa hề được ấn định mà người được mời đã nói rằng rất bận. Câu trả lời của ông Duterte không hẳn là từ chối lời mời mà là để ngỏ khả năng rồi sẽ nhận lời mời. Ở đây, cả hai người này [Trump và Duterte] đều chơi trò thật và vờ.

Cái gì là thật?

Họ có rất nhiều điểm tương đồng với nhau về quan điểm chính sách, phương thức cầm quyền và tính cách cá nhân.

Ông Trump mời ông Duterte thăm Nhà Trắng: Sao phải chơi trò lập lờ, mập mờ, giả vờ? - Ảnh 1.

Có nhiều điểm tương đồng giữa hai Tổng thống, Trump và Duterte. Ảnh: AP

Ông Duterte vốn chẳng thân thiện gì với người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama. Cho tới nay, chưa có lý do gì để ông Duterte cũng như vậy đối với ông Trump.

Trong thực chất, Mỹ và Philippines, bất kể người cầm quyền là ai, ông Obama ở Mỹ và ông Aquino ở Philippines trước đây hay hiện tại là hai vị Trump và Duterte, luôn cần đến nhau về chính trị an ninh.

Ông Duterte đã đối xử thậm tệ với ông Obama nhưng đâu có ngưng trệ hoàn toàn quan hệ hợp tác quân sự, an ninh và quốc phòng giữa Philippines với Mỹ.

Đến Trump, dù cứng rắn đến vậy mà vẫn đã hai lần điện đàm với ông Duterte, mời ông sang Mỹ, tuyên bố sẽ tới Philippines vào mùa thu năm nay để dự hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ, lại còn ca ngợi ông Duterte về cách thức tiến hành cuộc chiến chống tội phạm và buôn bán ma tuý ở Philippines trong khi trên thế giới có sự phản đối khá mạnh mẽ vì coi đó vi phạm nhân quyền.

Cá nhân lãnh đạo đất nước có thể thay đổi nhưng lợi ích chiến lược này của cả hai không thay đổi.

Ông Trump và ông Duterte khác biệt cơ bản người tiền nhiệm về tính cách cá nhân và quan điểm đối với nhau thì người rồi đây sẽ kế nhiệm họ ở hai nước cũng có thể rất khác biệt chính họ, thậm chí cả trái ngược hoàn toàn. Đấy chính là cái thật mà họ không thể chối bỏ.

Cái gì là "vờ"?

Tác nhân khiến họ phải "vờ" với nhau là Trung Quốc.

Ông Trump mời ông Duterte thăm Nhà Trắng: Sao phải chơi trò lập lờ, mập mờ, giả vờ? - Ảnh 2.

Mỹ cần Philippines để đối phó Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cả về chính trị lẫn quân sự. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng lập luận cho việc ông Trump mời ông Duterte sang Mỹ bằng viện dẫn Mỹ có nhu cầu tranh thủ Philippines để đối phó Triều Tiên. Lập luận đó nghe chỉ thấy khiên cưỡng và không thuyết phục. Philippines hoàn toàn ở ngoài cuộc trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, không đóng vai trò đáng kể gì đối với Mỹ.

Mỹ cần Philippines để đối phó Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cả về chính trị lẫn quân sự.

Ông Duterte càng chủ động tranh thủ Trung Quốc và xích lại gần Trung Quốc mạnh mẽ bao nhiêu thì ông Trump lại càng cần phân hoá Philippines với Trung Quốc bấy nhiêu.

Trung Quốc trên danh nghĩa không thể cản trở ông Duterte cải thiện quan hệ với chính quyền mới ở Mỹ nhưng trong thâm tâm lại không muốn vậy. Ông Duterte chủ ý thiên lệch hẳn về phía Trung Quốc nhưng lại không thể cắt cầu quan hệ với Mỹ vì vẫn phải phòng ngừa đối phó Trung Quốc, vừa không muốn làm Trung Quốc mếch lòng lại vừa không thể làm ông Trump phật ý.

Cho nên, cứ lập lờ và mập mờ như thế là tốt nhất, làm cho Trung Quốc tưởng là thật và Mỹ hiểu là vờ.

Ông Trump mời ông Duterte thăm Nhà Trắng: Sao phải chơi trò lập lờ, mập mờ, giả vờ? - Ảnh 3.

Trump từ trước tới nay không hề giấu diếm sự ngưỡng mộ, hoặc ít nhất thì cũng thiện cảm, đối với những chính khách có phong cách lãnh đạo bị bộ phận không nhỏ dư luận thế giới coi là "độc đoán" như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tổng thống Nga Putin, tổng thống Ai cập Sisi hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung un và ông Duterte.

Ông Trump mời ông Duterte sang Mỹ với nhận thức rằng lời mời này không dễ dàng được ông Duterte vồ vập ngay, lại còn vấp phải sự phản đối không nhỏ ở Mỹ và trên thế giới.

Trump cũng hay thay đổi quan điểm như Duterte. Trước mắt, lời mời vẫn cao hơn mâm cỗ, dẫu không được tiếp nhận thì vẫn không hề suy suyển tác động chính trị và giá trị tâm lý, làm cho ông Duterte nhận thấy là thật trong khi Trung Quốc cảm giác là vờ. 

Giữa thật và vờ như thế giúp ông Trump và ông Duterte dễ dàng tiến hay thoái hoặc vừa tiến vừa thoái trong quan hệ song phương với nhau và trong quan hệ của từng bên với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại