"Vài tuần nữa, Tổng thống Trump sẽ phải thất vọng vì bắt tay với Trung Quốc"

Lưu Bình |

Theo chuyên gia Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc mới là những quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trong quá trình giải quyết vấn đề Triều Tiên chứ không phải Trung Quốc.

Chính phủ Trump quên Nhật Bản, Hàn Quốc

Đô đốc Dennis Blair, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ hôm thứ Ba 2/5 cho biết, chính phủ của Tổng thống Donald Trump nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Đồng thời đã đưa ra một loạt các cảnh cáo đối với Bình Nhưỡng và nhiều lần kêu gọi Trung Quốc gây sức ép lên nước láng giềng.

Tuy nhiên, theo ông Blair, chính sách Đông Á của ông Trump đã bỏ lỡ một điểm quan trọng.

"Chính phủ Trump trong khi xử lý vấn đề này [Triều Tiên] đã quên việc tiến hành tham vấn và lập kế hoạch với Nhật Bản và Hàn Quốc, điều này rất quan trọng... Cách tiếp cận như vậy không thể sử dụng sức mạnh của Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc gây áp lực về kinh tế, ngoại giao và quân sự đối với Triều Tiên.

Quan trọng hơn, Nhật Bản và Hàn Quốc đứng ở tuyến đầu trong cuộc xung đột này... Nếu bình thường, cách tiếp cận của Mỹ cũng có thể đánh mất lòng tin. Trong trường hợp phát sinh xung đột, quan hệ đồng minh sẽ đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng", cựu quan chức Mỹ nói.

Ông Blair cho rằng hiện Mỹ không tham khảo ý kiến ​​với Nhật, Hàn trong vấn đề Triều Tiên bởi vị trí Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa được xác định, chứ không phải chính phủ Trump cố ý đưa ra lựa chọn "thân Trung, xa Nhật, Hàn".

Ông nhấn mạnh, chính sách của Mỹ ở Đông Á sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi Washington đặt Tokyo và Seoul ở vị trí đầu rồi mới đến Bắc Kinh.

Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington, việc dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ mang lại sự thất vọng, đồng thời cũng sẽ không khiến Bình Nhưỡng thay đổi chiến lược an ninh.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, quan hệ hợp tác đồng minh Mỹ-Nhật vẫn tồn tại. Bằng chứng là việc chính phủ Nhật Bản đã cử hai tàu chiến tham gia tập trận với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ.

Vài tuần nữa, Tổng thống Trump sẽ phải thất vọng vì bắt tay với Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo chuyên gia Mỹ, vấn đề Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất hiện nay tại khu vực Đông Á. (Ảnh: KCNA)

Dựa vào Trung Quốc - không đáng tin cậy

Bên cạnh đó, Evans J.R. Revere - chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chính sách Đông Á tại Viện Brookings (Mỹ) cũng đưa ra nhận định tương tự.

Theo ông Revere, chính phủ Trump hiện đang gây áp lực lên Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh có thể ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân.

Đặc biệt, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 30/4,, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn nói rằng nếu Bắc Kinh gây ảnh hưởng để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì Washington sẵn sàng có những nhượng bộ về thương mại song phương.

"Tôi nghĩ rằng vấn đề Triều Tiên còn quan trọng hơn so với thương mại", Trump nói - "Thương mại rất quan trọng nhưng so với việc hàng triệu người tham gia vào cuộc chiến tranh quy mô lớn, hàng triệu người có thể chết, tôi cho rằng điều này quan trọng hơn thương mại".

Revere cho rằng, phát biểu trên của Tổng thống Trump khiến cho mọi người nghĩ rằng, trong vấn đề Triều Tiên, ông có một thỏa thuận với Trung Quốc,

Đồng thời khẳng định, việc Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề Triều Tiên là không đáng tin cậy.

"Trung Quốc về cơ bản chỉ coi Triều Tiên như một 'vùng đệm', thiên về xu hướng để hai miền Triều Tiên cùng tồn tại bởi Bắc Kinh lo lắng việc bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường và trở thành đồng minh với Washington", chuyên gia Mỹ nói.

Ông còn dự đoán, trong vài tuần hoặc vài tháng tới, chính phủ của Trump có thể sẽ phải thất vọng vì quyết định bắt tay với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại