Suốt nhiều ngày nay, người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang điêu đứng vì phải chịu đựng ô nhiễm không khí.
Người dân chỉ đích danh nhà máy giấy của công ty TNHH giấy Lee&Man (thuộc tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - TQ) là thủ phạm.
Kể từ khi nhà máy giấy này vận hành, họ bắt đầu phải chịu đựng chất thải bụi than và mùi hôi khó chịu thải ra, làm cho cuộc sống đảo lộn hoàn toàn.
Gia đình bà Dung bụi than bám đen kịt
Gia đình bà Trần Thị Dung (50 tuổi) sống cách nhà máy giấy Lee&Man khoảng 150m cho hay, từ khi nhà máy vận hành thử đến nay, cuộc sống của gia đình bà rơi vào "bi kịch".
Bà kể, ngày 7/3, đại diện nhà máy sang thông báo vận hành thử. Đến sáng 11/3, bụi than, mùi hôi nồng nặc từ nhà máy giấy bay sang.
Đến bây giờ trần nhà bà đã bị bụi than bay sang đóng đen kịt. Cả ngày cửa nhà đóng im ỉm, không dám mở ra mà ngày nào cũng quét ra một đống bụi than.
"Ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì chịu không nổi, nó hôi đến mức lộn ruột lộn gan. Sống mà khổ như vậy thế này thì ai chịu nổi, không biết chết khi nào.
Tội nhất là chồng tôi đi làm cả ngày tối về lại chịu đựng mùi hôi, tiếng ồn của nhà máy. Thử hỏi, hít thở còn độc hại thế này thì làm sao không lo sợ?”, bà Dung phàn nàn.
Do lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm nên gia đình bà không dám thả cá nuôi dưới bè. Bình thường nhà bà Dung có hơn 10 bè nuôi cá điêu hồng, mỗi lứa cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
"Nhưng giờ không dám thả cá nữa vì sợ cá chết”, bà Dung tâm sự.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Dung, ông Trần Văn Long cho biết, người dân nơi đây phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối. Thậm chí khi đi ngủ, còn phải đeo túi nilông, khẩu trang…
“Phòng ngủ của tôi bằng gỗ nên có kẽ hở, mùi hôi bay khiến không ngủ được. Tối đi ngủ tôi phải lấy túi nilông trùm kín mặt để ngủ - đó là cách duy nhất để chống lại mùi hôi thối từ nhà máy giấy bay sang”, ông Long than.
Ông đã dùng băng kéo dán kính ngoài phòng nhưng vẫn không chịu nổi mùi hôi.
Nhiều người dân trong xã không dám sử dụng nước sông để nấu ăn do sợ nguồn nước này đã bị nhiễm độc.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Người lớn còn chịu đựng được chứ mấy đứa con nít tôi sợ bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Nói thật, tôi cũng định bán nhà để đi nơi khác ở, nhưng ông bà, tổ tiên bao đời ở đây rồi nên không đi được”, ông Long nói tiếp.
Nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng
Người dân trong vùng đã nhiều lần lên UBND thị trấn để phản ánh nhưng UBND chỉ ghi nhận ý kiến để báo lên cấp trên.
"Chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng”, bà Dung nói thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND thị trấn Mái Dầm đã có báo cáo về UBND huyện Châu Thành về thực trạng ô nhiễm.
Theo báo cáo, ngày 20/3, 14 hộ dân đại diện các hộ ở khu vực chợ Mái Dầm và ngang nhà máy giấy Lee&Man phản ánh từ ngày 10/3, khi nhà máy giấy này đi vào hoạt động thử nghiệm đến nay đã xuất hiện mùi hôi thối, khói bụi rất khó chịu.
Thời gian gần đây xuất hiện thêm mùi lạ rất khó thở làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Trước tình trạng này, người dân khẩn thiết yêu cầu nhà máy giấy Lee&Man sớm khắc phục mùi hôi thối, khói bụi và mùi hôi khó thở mới phát sinh, đề nghị UBND tỉnh, huyện có kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân sinh sống gần khu vực nhà máy đi nơi khác.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm xác nhận, từ khi nhà máy giấy Lee&Man vận hành thì xảy ra mùi hôi. Người dân phản ánh, mùi hôi nồng nặc như bùn xảy ra nặng nhất là vào buổi tối.
Chính những cán bộ, nhân viên đang làm việc tại UBND thị trấn cũng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi phát ra từ nhà máy giấy.
“Có khoảng 50 hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng, ngoài ra chợ và hơn 500 em học sinh tiểu học bị ảnh hưởng mùi hôi từ nhà máy giấy phát ra”, ông xác nhận.
Thanh tra phát hiện nhiều vấn đề
Dự án nhà máy giấy của công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam được xây dựng trong cụm công nghiệp tập trung ở tỉnh Hậu Giang (nằm cạnh sông Hậu) và có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.
Đây là nhà máy được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Năm 2016, người dân ở Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh lân cận lo ngại khi nhà máy giấy này đi vào hoạt động mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, tác động xấu đến môi trường.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với nhà máy Lee&Man tại Hậu Giang.
Đến ngày 25/10/2016, đoàn thanh tra đã có kết luận, phát hiện nhiều vấn đề.
Thời điểm thanh tra, dự án đang xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như: Chưa có hệ thống xử lý Nox trong khí thải nhà máy điện, các silo chứa tro bay, xỉ đáy lò chưa đáp ứng...