Mặc dù đã cảnh giác cao độ, nhưng có tinh quái đến đâu Hùng "sầu" cũng không thể trốn khỏi lệnh truy nã trên toàn quốc. Năm 1998 trên đường về "hang ổ", Hùng "sầu" đã bị cảnh sát hình sự Huế phối hợp với trinh sát TPHCM bắt giữ. Lần vào tù này cũng đã thay đổi hẳn cuộc đời của Hùng "sầu".
Hơn 20 tuổi, lần đầu tiên được các cán bộ trại giam dạy học, Hùng "sầu" thích thú đánh vần tên mình. Những ngày sống trong trại này, những hình ảnh hồi thơ bé, những ngày sống lầm lũi giữa không gian mặn chát của biển cả xin từng con cá, rồi rớt nước mắt thèm thuồng được đi học như những đứa bạn cùng trang lứa cứ hiển hiện trong đầu Hùng "sầu".
Hơn bao giờ hết, Hùng "sầu" khát khao tự do, khát khao làm lại cuộc đời.
Hùng "sầu" đã chọn con đường thiện để làm lại từ đầu. Ảnh: PA.
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Hùng "sầu" và em gái
Năm 2000, khi được đặc xá, Hùng "sầu" đứng chết lặng bên ngoài trại giam. Đau đáu nhìn người ta có thân nhân đến đón, còn mình cô độc giữa hai con đường thiện – ác, Hùng "sầu" băn khoăn giữa hai ngả đường.
Chọn cái thiện, nhưng vướng định kiến của xã hội, Hùng "sầu" đáng lẽ lại xưng hùng xưng bá nếu như không có cuộc gặp định mệnh với người em gái cùng mẹ khác cha.
Hùng "sầu" kể: "Một ngày khi đang đi trên trường, tôi vô tình gặp lại đứa em cùng mẹ khác cha. Em gái lấy chồng ở Sài Gòn đã được vài năm. Vừa gặp tôi, nó bật khóc nói, dượng tôi đã chết vì bệnh tật, mẹ tôi vì những tội ác của tôi mà bị xóm làng khinh rẻ, khắc nghiệt. Bà phải bán nhà vào Phan Thiết để ở khiến tôi không khỏi chạnh lòng".
Chính người em gái đã cho Hùng "sầu" biết đại ca Lê Lam đã từ bỏ giang hồ và chạy xe ôm ở bến xe Ngã Tư Ga (TP.HCM).
"Tôi tìm gặp anh Lê Lam, hai anh em mừng lắm. Nghe anh Lam nói là thà kiếm vài đồng mà sống thanh thản, còn hơn sung sướng mà đôi tay đầy máu. Tôi hạ quyết tâm làm lại cuộc đời", anh Hùng nói.
Để tự cai ma túy, Hùng "sầu" chọn một phòng trọ nhỏ phía sau chùa Hoằng Pháp, mua đầy đủ mì gói, nước uống,… khóa ngoài cửa ngoài rồi đưa chìa khóa nhờ người bạn thân giữ giùm. Nhốt mình suốt 24 ngày, anh Hùng cai nghiện thành công rồi đi tìm việc.
Tự học, tự làm suốt 9 tháng cuối cùng anh đã thành công và giúp đỡ nhiều mảnh đời khác. Ảnh: PA.
Thế nhưng, vì ai cũng biết mặt Hùng "sầu" lừng lẫy một thời, nên không ai dám nhận. "Người ta không ghét nhưng họ sợ tôi, không ai tin một kẻ như tôi có thể hoàn lương. Tất cả cơ sở khắc gỗ trên đường Cộng Hòa gặp tôi là đuổi ra.
Một anh thợ mộc thương tình chỉ cho tôi nơi bán dụng cụ điêu khắc để tôi mua về tự học. Suốt 9 tháng tự mày mò, cuối cùng tôi cũng đã thành công", anh Hùng cười.
Suốt 2 năm liền, anh đi xin khắp nơi, xin đủ việc nhưng lại về tay không. Anh Hùng nhớ lại: "Lúc đó nản lắm, không biết bao nhiêu lần tôi quăng bỏ hết đồ nghề, rồi định đi tìm đàn em của mình. Vừa bước đi, tôi lại nhớ về những trận cười của bạn bè khi nghe tôi sẽ hoàn lương. Nhớ về mẹ, nhớ về những trận đánh đầy máu,…
Tôi vụt chạy ra bến xe, xin người ta chân bốc vác rồi dùng hết sức làm để quên đi ý nghĩ tội lỗi. Cuối cùng ông trời cũng cho tôi một cơ hội".
Tháng 4/2002, một xưởng gỗ của Nhật Bản đã nhận anh vào làm việc. Sau 3 tháng chứng tỏ được tay nghề, anh được ông quản lý người Nhật cho lên làm trưởng kỹ thuật của xưởng.
Biết tin, người trưởng xưởng cũ hậm hực đánh một gậy như trời giáng xuống đầu anh.
"Lúc này, tôi ức lắm, tôi nghĩ trong đầu "cái tướng mày tao chỉ cần bóp một cái là chết ngay", vừa nghĩ tôi vừa tiến lại hắn. Nhưng nếu tôi làm vậy, tôi không còn đường về với chính mình. Thế là tôi nghiến răng khắc tiếp bức tượng đang dở dang, khắc tới đâu, máu nhuộm đỏ tới đó", anh Hùng nhớ lại.
Làm ở xưởng Nhật được một thời gian, anh Hùng gom góp được 47 triệu đồng quyết mở xưởng gỗ riêng. Nhưng trước khi mở xưởng, anh đi xin lỗi hết những người là nạn nhân của mình ngày xưa.
4 năm liền đi xin lỗi nạn nhân
Về đúng tâm thiện của mình, anh Hùng luôn day dứt với tội ác mình đã gây ra. Anh tìm đến nhà những người từng là nạn nhân của mình để xin lỗi.
Nhìn xa xăm, anh nói: "Một lời xin lỗi làm sao xóa sạch được tội ác, nhưng tôi vẫn muốn làm điều đó. Nếu như họ không chấp nhận, họ đánh chết, tôi cũng sẽ mỉm cười. Tôi đi xin lỗi suốt mấy năm".
Hùng "sầu" hiện tại là một người điềm đạm, tịnh tâm. Ảnh: PA.
Lúc anh Hùng trở lại Huế, tìm đến nhà gã giang hồ ngày xưa bị anh chém đứt rời bàn tay, rồi xẻo luôn vành tai vì không biết Hùng "sầu" là ai, con trai người này ra đánh anh ói ra máu.
Trong hàng trăm tội lỗi mình gây ra, thì việc đạp sảy thai một phụ nữ là điều Hùng "sầu" day dứt nhất. Lần nào nhắc về người phụ nữ này, mắt anh cũng luôn ngấn nước.
Đó là lần anh đến Bình Phước đòi nợ thuê, bước vào căn nhà tuềnh toàng trống hơ trống hoắc, chỉ có chiếc xe cà tàng làm kế sinh nhai. Thế nhưng, lúc đó, anh đã lạnh lùng lệnh cho đàn em lấy chiếc xe trừ nợ.
Anh kể: "Người phụ nữ đó bụng bầu to lắm, cô ta quỳ xuống ôm chân tôi cầu xin, nhưng tôi đã đạp vào bụng cô ấy. Đứa bé chết, tôi nghe nói lúc đó cái thai là con trai, đã được 8 tháng. Lần tôi về đó xin lỗi, tôi đã dặn bạn bè dù gia đình họ làm gì cũng không được can ngăn.
Bước vào nhà vừa thắp nhang cho đứa bé xong, ba của đứa trẻ đã đánh tôi tới tấp, rồi cô bác, họ hàng cũng thay nhau đánh. Tôi nằm dưới đất ráng chịu đựng với hy vọng họ sẽ tha lỗi cho tôi".
Cuối cùng, bà nội đứa bé ra can ngăn thì họ mới thôi. "Khi nghe bà nội đứa bé can, tôi mỉm cười yếu ớt rồi ngất đi", anh Hùng kể.
4 năm với hàng trăm lần bị người nhà nạn nhân đánh cho thừa sống thiếu chết. Bị đánh, anh không tránh né mà gồng mình chịu đựng. Vì anh biết, những trận đòn đó sao bằng nỗi đau mà anh đã gây ra cho gia đình họ. Chỉ cần họ tha thứ, dù thế nào anh cũng chấp nhận.
Xưởng gỗ của "gã điên"
Sau khi đã đi xin lỗi những nạn nhân của mình, anh Hùng dồn hết 47 triệu đồng tích góp được để mở Cơ sở điêu khắc Tịnh Tín (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM).
Nhưng vì giới giang hồ muốn lôi kéo anh quay lại, chúng đã tìm đủ mọi cách phá hoại, ngăn cấm người khác mua hàng. Thêm mấy năm trời, anh cạn kiệt vốn liếng mà chẳng bán nổi một sản phẩm.
Anh Hùng không giấu nghề mà hướng dẫn, tạo công ăn, việc làm cho hơn 300 người tìm đến. Ảnh: PA
Không nản lòng, anh Hùng treo bảng dạy nghề miễn phí cho bất kỳ ai muốn học, nhất là những người đã từng phạm tội. Rồi tự mình đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn, đến các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm. Miễn có người mua, lỗ bao nhiêu anh cũng bán để kiếm từng đồng ít ỏi duy trì xưởng.
Nhiều con buôn vừa mua vừa cười vào mặt anh, ai cũng nói anh điên loạn, mất trí. Chẳng ai tin tưởng anh có thể thành công khi làm việc với những kẻ vào tù ra trại, hình xăm đầy mình đáng sợ.
Anh cười hiền: "Tôi nhận dạy nghề vì không muốn xã hội có thêm nhiều đại ca khác, chấp nhận bán lỗ vốn vì tự tin vào sản phẩm mình làm ra. Tôi tin bất kỳ ai thấy tượng gỗ của tôi cũng sẽ muốn mua thêm nữa".
Thế rồi, anh dần có những khách hàng đầu tiên, rồi đơn hàng đến với anh ngày càng nhiều.
Có kinh phí, anh xây luôn nơi ở cho thợ ngay trong xưởng, tin tưởng để họ trông coi sản phẩm. Hằng ngày, vợ anh Hùng sẽ ghé qua dọn dẹp, giặt quần áo, nấu ăn cho mọi người. Ở xưởng của anh những đứa nhỏ gọi anh bằng ba, xưởng không phân biệt chủ tớ mà như một đại gia đình.
Những đứa trẻ được gia đình gửi đến xưởng gỗ của anh Hùng để học nghề. Ảnh: PA.
Mở xưởng gỗ đến nay đã được khoảng 10 năm, uy tín của Cơ sở điêu khắc Tịnh Tín ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng Tây Nam Bộ. Nhiều bức tượng gỗ của anh đã được vinh danh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề, do BCH Trung ương hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng.
Ngoài việc cưu mang những con người lầm lỡ, anh Hùng còn đi từ thiện, sẵn sàng tài trợ cho những chương trình từ thiện xã hội, người khuyết tật,… Vì những việc làm đó, anh đã được Bộ trưởng Bộ Công an khen tặng, động viên trong công cuộc giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập.
Hiện tại, anh Hùng có cuộc sống hạnh phúc khi giấc mơ thành hiện thực. Anh càng ấm lòng hơn khi có một người vợ hiểu chồng, một đứa con trai nhỏ hiếu động và lanh lợi.
Anh Hùng được Bộ trưởng Bộ Công an khen tặng, đây cũng là động lực để anh làm nhiều điều có ích khác. Ảnh: PA.
Anh mỉm cười: "Tôi không ngờ mình không những kịp làm lại cuộc đời, mà còn quá hạnh phúc khi vợ tôi luôn ủng hộ việc tôi làm, con trai luôn ngoan ngoãn. Nhưng điều tôi sung sướng nhất là giúp đỡ được nhiều số phận như mình kịp làm lại cuộc đời. Có nhiều người tay nghề cao lắm, họ cũng đã có xưởng gỗ riêng của mình".
Tính đến nay, đã có hơn 300 con người lầm lỡ tuổi từ 11 đến hơn 30 đến xin anh dạy nghề. Cũng có người gia đình không "trị" được mang con đến nhờ anh giúp đỡ.
Một đồng chí công an xã cho biết, hiện xưởng gỗ của anh Hùng có khoảng 20 người. Đa số là những người từng vi phạm pháp luật đang học nghề, làm việc tại đây. Đây cũng là một cơ hội để họ nhìn nhận lại bản thân và hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Bá Thành – Trưởng Ấp Thới Tây 2, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn chia sẻ: "Từ lúc anh Hùng về đây lập nghiệp, anh ấy đã hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt, không gây rối trật tự và đã làm ăn lương thiện. Hiện xưởng gỗ anh kinh doanh khá thành công".