“Chúng tôi sẽ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup), các công ty lâu năm, các sáng kiến có ảnh hưởng đến xã hội, và các doanh nghiệp do chính những người di cư và tị nạn lập nên”, hãng tin Bloomberg dẫn tuyên bố ngày 20/9 của Soros cho biết.
“Những khoản đầu tư này sẽ mang lại thành công”.
Soros hiện là người điều hành công ty quản lý quỹ Soros Fund Management của gia đình. Quỹ này có quy mô tài sản 25 tỷ USD.
Theo tuyên bố mà Soros đưa ra, các khoản đầu tư nói trên sẽ thuộc sở hữu các tổ chức phi lợi nhuận của ông.
Lợi nhuận thu về sẽ được rót cho các chương trình của quỹ từ thiện mang tên Open Society Foundations, bao gồm các chương trình mang lại lợi ích cho người di cư và người tị nạn.
Soros có kế hoạch hợp tác với các tổ chức như Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) để đưa ra các nguyên tắc đầu tư phù hợp cho sáng kiến từ thiện trên của ông.
Số liệu từ UNHCR cho thấy trên thế giới hiện có khoảng 65,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong số này, có 21,3 triệu người là người tị nạn, và 10 triệu người không có tư cách công dân của bất kỳ quốc gia nào.
Hơn một nửa số người tị nạn trên thế giới là những người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria, Afghanistan, và Somalia.
Ông Filippo Grandi, cao ủy viên của Liên hiệp quốc về người tị nạn nói tổ chức này ủng hộ cam kết của tỷ phú Soros về đầu tư để giúp đỡ người tị nạn.
Ông Grandi nói rằng người tị nạn cần được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và pháp lý, giáo dục và các cơ hội việc làm.
Soros là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Open Society Foundations, một tổ chức từ thiện hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, nhân quyền, di cư, và y tế, với khoảng 40 văn phòng trên toàn cầu.