Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung:
Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đầu giờ sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn phục vụ đồng bào và cử tri theo dõi.
14:53 ngày 07/06/2022
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Bộ trưởng chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn.
Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…
Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn.
Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…
14:15 ngày 07/06/2022
53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Chu Thị Hồng Hải (Lạng Sơn); Hoàng Anh Công (Thái Nguyên); Dương Văn Phước (Quảng Nam); Dương Khắc Mai (Đắk Nông); Lê Thị Song An (Long An)…. chất vấn các về vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh công nghệ cao;…
13:35 ngày 07/06/2022
Hỏi nhanh, đáp gọn, xử lý triệt để vướng mắc
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn và tiếp tục kế thừa phương thức "hỏi nhanh - đáp gọn", đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.
Theo đó, trường hợp đại biểu không đồng ý với câu trả lời có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận với thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau.
Đối với người trả lời chất vấn thì không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp.
Cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó họ thấy được đại biểu Quốc hội và các "tư lệnh ngành" đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao? Quốc hội sẽ làm gì, Chính phủ sẽ làm gì, bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để giúp cho người dân và doanh nghiệp có cuộc sống tốt hơn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn.
Đó mới chính là đích đến và là thành công thực sự của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.
Với tâm thế như vậy, ông Bùi Văn Cường tin rằng, 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu tận dụng tối đa để đạt hiệu quả cao nhất.
08:01 ngày 07/06/2022
Sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Trước đó, sáng 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Báo cáo cho biết, trong quý I/2022, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn, Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH.
Về nông nghiệp, Chính phủ nhấn mạnh các nội dung: Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại trong đó có hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.