Nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.
Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan trong nội dung này.
13:59 ngày 03/11/2022
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ và thanh tra. Ngoài các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và một số bộ trưởng các bộ có liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình.
Theo thông lệ, cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết về cách thức tiến hành chất vấn như tại các kỳ họp trước đây, với tinh thần dành tối đa thời gian cho việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn phát biểu một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn không quá 05 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Thời gian trả lời không quá 03 phút đối với một vấn đề chất vấn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng rằng, các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi và thành công, góp phần đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước và của chính các vị đại biểu Quốc hội.
14:07 ngày 03/11/2022
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành phiên chất vấn, nhấn mạnh phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung:
Một là, thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Hai là, việc quản lý thị trường bất động sản, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.
Ba là, việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Bốn là, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản, việc kiểm soát giá cả và bảo đảm nguồn nguyên liệu, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, trong quá chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tọa sẽ mời các Bộ trưởng, Trưởng ngành như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thể trả lời và giải trình thêm và mời Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành báo cáo giải trình thêm những vấn đề liên quan.
14:09 ngày 03/11/2022
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chỉnh phủ, sự quan tâm phối hợp, cộng tác, giúp đỡ, giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội cùng chính quyền các cấp, toàn thể người dân, Bộ Xây dựng đã luôn nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được phân công.
14:10 ngày 03/11/2022
Tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho biết việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.
Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động. Do đó, trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?
Đồng thời có biện pháp như thế nào để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?
14:12 ngày 03/11/2022
Giải pháp nào cho vấn đề ngập úng, ùn tắc do mật độ xây dựng đô thị quá cao?
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi tương đối cao như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội mưa là lụt và ngập.
Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỉ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư. Những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng chậm, chạy chưa thấy hướng ra. Vậy, với trách nhiệm quản lý của ngành trong cái vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng phát triển đô thị đạt được những cái kết quả tốt hơn trong thời gian tới?
Đại biểu Phan Đức Hiếu (TP. Hà Nội): Hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp, đường xá, vỉa hè… nhưng không thể nâng cấp, làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không và nếu có, sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian sắp tới?
14:14 ngày 03/11/2022
Trả lời về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Việc tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn do ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...
Thừa nhận tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.
Về vấn đề ngập úng và thoát nước đô thị vẫn chưa được giải quyết cơ bản, làm ảnh hưởng đời sống người dân, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...
Liên quan đến vấn đề bàn giao công trình đô thị, Bộ trưởng cho biết, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị khác nhau về cả quy mô và chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều dự án chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân là do quy định pháp luật về xây dựng đô thị mới chỉ mang tính nguyên tắc, do đó bàn giao quản lý còn lúng túng khi thực hiện, dự án kéo dài nên bị ảnh hưởng; nhều dự án chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng; nguồn lực quản lý chính quyền đô thị còn chưa tốt...
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung giải pháp rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư; quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định dự án hạ tầng đô thị; đề xuất sửa đổi một số Nghị định về nội dung này, trong đó có xử phạt hành chính nếu không tuân thủ…