Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã công khai hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 .
Từ 12.000 trang sao kê được công khai, dư luận đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu “phông bạt”, mập mờ tiền quyên góp ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt. Ví như, có người thông tin đã chuyển khoản ủng hộ 10 triệu đồng, nhưng qua "Check var" chỉ chuyển có 10.000 đồng. Thậm chí, một số trường hợp chuyển khoản cho ”tập thể”, nhưng qua kiểm tra sao kê, dư luận phát hiện số tiền chuyển cho MTTQ Việt Nam chỉ vài chục ngàn đồng... Dư luận đặt câu hỏi, có hay chăng việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng quyên góp ủng hộ bão lụt để trục lợi. Nếu có, người chiếm đoạt tiền sẽ bị xử lý như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc sao kê tiền ủng hộ của MTTQ Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động từ thiện . Từ đó, giúp tăng sự tin tưởng của cộng đồng, phòng tránh rủi ro trong hoạt động từ thiện.
Theo Luật sư Duy, đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức kêu gọi, huy động tiền ủng hộ nhưng không chuyển đủ số tiền huy động; hoặc ăn chặn tiền từ thiện thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, căn cứ Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình), nếu kêu gọi nhận tiền ủng hộ nhưng có hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ để ăn chặn tiền từ thiện, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 2-3 triệu đồng (đồi với cá nhân) và gấp đôi với tổ chức. Đồng thời, cá nhân, tổ chức sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép.
Nếu hành vi gian dối để ăn chặn, chiếm đoạt ngay từ đầu hoặc hành vi gian dối phát sinh sau khi đã nhận tiền thì tùy thuộc vào hậu quả xảy ra đối với từng trường hợp, đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức xử phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến chung thân, tùy thuộc vào hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần, toàn bộ tài sản.
"Đối với cá nhân nhân danh chính mình tự chuyển tiền của mình để đóng góp nhưng sửa đổi, giả mạo số tiền sao kê để chia sẻ trên mạng xã hội thì chưa có quy định để xử phạt hành vi này", luật sư Duy nói.
Đồng quan điểm, luật gia Trần Nhật Minh (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc hỗ trợ cho đồng bào bão lụt là cần thiết, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tuy nhiên, việc tổ chức, cá nhân đứng ra nhận tiền ủng hộ nhưng không chuyển đúng, chuyển đủ số tiền đã nhận là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hành vi, mức độ vi phạm cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự.
Luật gia Trần Nhật Minh cho rằng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lùm xùm liên quan đến hoạt động từ thiện. Để chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021 ngày 27/10/2021 về Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện tổ chức chức khắc phục khó khăn do thiên tại, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Do đó, tổ chức, cá nhân kêu gọi, vận động từ thiện cần thực hiện theo quy định pháp luật.