Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi

Thanh Long |

Vào năm 2011, thống kê cho thấy mỗi người dân ở Tororo bị muỗi nhiễm bệnh sốt rét cắn trung bình khoảng 310 lần mỗi năm. Nhưng bằng các nỗ lực kiểm soát bệnh tích cực trong những năm gần đây, tỷ lệ phơi nhiễm với muỗi nhiễm ký sinh trùng ở Tororo đã giảm mạnh. Năm 2018, trung bình mỗi người dân c

Với COVID-19, bạn có thể đã biết đến hai khái niệm đặc trưng là "siêu lây nhiễm" và "người mang bệnh không triệu chứng". Bây giờ, một nghiên cứu mới cho thấy ngay cả sốt rét - căn bệnh tưởng chừng đã quen thuộc với chúng ta trong hàng thập kỷ, hóa ra, cũng có thể mang hai đặc điểm nguy hiểm này.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện những đứa trẻ ở Uganda mang ký sinh trùng sốt rét nhưng không hề phát bệnh. Chúng vô tình trở thành một bể nuôi ký sinh trùng, rồi lây ngược lại cho quần thể muỗi không mang bệnh tại địa phương. Muỗi sau đó có thể phát tán để tạo ra các ổ bệnh siêu lây nhiễm.

Phát hiện này rất đáng lo ngại, bởi nếu không thể phát hiện những đứa trẻ không có triệu chứng này, ký sinh trùng sẽ có thể lưu hành vĩnh viễn trong quần thể muỗi, bất chấp các biện pháp can thiệp của con người như thả muỗi biến đổi gen hay điều trị miễn phí cho các bệnh nhân sốt rét (có triệu chứng).

Hàng trăm triệu USD tài trợ cho các dự án này có thể đổ sông đổ bể, chỉ vì chúng ta đã bỏ qua một lỗ hổng lớn trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh đang lưu hành.

Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi - Ảnh 1.

Trong nghiên cứu được trình bày tuần trước tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Hoa Kỳ (ASTMH), các nhà khoa học phát hiện một số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 ở Uganda mang ký sinh trùng sốt rét nhưng không có triệu chứng của bệnh.

Những đứa trẻ này được xác định là nguồn lây nhiễm ban đầu cho một số ổ dịch sốt rét tại địa phương. Khi theo dấu những ca nhiễm trùng do muỗi gây ra, các nhà khoa học đã tra được được 60% trong số đó xuất phát từ 4 đứa trẻ không có triệu chứng. Hai đứa trẻ đang ở tuổi đi học trong khi hai đứa trẻ còn lại mới chỉ lên 3 và 4 tuổi.

Tác giả chính của nghiên cứu Chiara Andolina, một chuyên gia về sốt rét tại Đại học Radboud, cho biết: "Mặc dù một số trẻ em bị nhiễm nhiều dòng ký sinh trùng sốt rét trong quá trình nghiên cứu, nhưng những đứa trẻ này không bao giờ bị ốm và vẫn tiếp tục sống một cuộc sống bình thường".

Hiện tại, sốt rét đang được kiểm soát tốt trong khu vực khảo sát ở Uganda. Nhưng nếu các nỗ lực ấy hạ nhiệt hoặc vì lý do nào đó chấm dứt, những đứa trẻ mang ký sinh trùng sẽ có khả năng làm bùng phát các đợt dịch mới trong khu vực.

Teun Bousema, đồng tác giả của nghiên cứu hiện là một nhà dịch tễ học sốt rét tại Radboud cho biết: Để ngăn chặn các ca sốt rét bùng phát trở lại, các nỗ lực kiểm soát cần nhắm mục tiêu cụ thể đến trẻ em trong độ tuổi đi học. Điều cần làm là phải sàng lọc được những đứa trẻ mang ký sinh trùng sốt rét mà không có triệu chứng.

Những đứa trẻ này cũng cần phải được điều trị, bởi chúng chính là một nguồn dự trữ mầm bệnh có thể bùng phát trong tương lai. Các nỗ lực kiểm soát quần thể muỗi địa phương và chữa trị cho bệnh nhân sốt rét có triệu chứng vẫn cần phải được tiến hành song song.

Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể đưa số ca nhiễm về 0 và tiến đến xóa sổ hoàn toàn dịch sốt rét.

Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi - Ảnh 2.

Những đốm lửa nhỏ siêu lây nhiễm

Tại các khu vực thường xuyên lưu hành bệnh sốt rét, Bousema cho biết các ca nhiễm không có triệu chứng chiếm đến hơn 80% trong tổng số các ca bệnh được sàng lọc. Các nghiên cứu cho thấy đa số những ca sốt rét không triệu chứng xảy ra trên trẻ em trong độ tuổi đi học.

Trong khi các nhà khoa học đồng ý rằng muỗi truyền bệnh sốt rét từ cả những người có triệu chứng và không có triệu chứng, có một câu hỏi đặt ra là: Liệu loại nhiễm trùng nào có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hay loại còn lại?

Để tìm kiếm câu trả lời, các tác giả nghiên cứu đã đến quận Tororo của Uganda, một điểm nóng thường xuyên của dịch bệnh sốt rét. Andolina cho biết trong bài thuyết trình của mình tại hội nghị: Vào năm 2011, thống kê cho thấy mỗi người dân ở Tororo bị muỗi nhiễm bệnh sốt rét cắn trung bình khoảng 310 lần mỗi năm.

Nhưng bằng các nỗ lực kiểm soát bệnh tích cực trong những năm gần đây, tỷ lệ phơi nhiễm với muỗi nhiễm ký sinh trùng ở Tororo đã giảm mạnh. Năm 2018, trung bình mỗi người dân chỉ còn bị muỗi mang mầm bệnh cắn 0,43 lần.

"Đó là một kế hoạch chi tiết cho những gì bạn có thể mong đợi - nếu bạn thực sự đầu tư rất nhiều vào việc kiểm soát bệnh sốt rét, bạn có thể giảm gánh nặng của căn bệnh này", Bousema nói. "Nhưng để xóa sổ hoàn toàn bệnh sốt rét, các nhà khoa học phải tìm ra và tiêu diệt những nơi ẩn náu còn sót lại của ký sinh trùng".

Để làm được điều đó ở Tororo, nhóm của Bousema đã tuyển chọn 531 người trưởng thành và trẻ em từ 80 hộ gia đình và theo dõi họ trong hai năm. Mỗi tháng, các nhà khoa học đều tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán và thu thập mẫu máu từ những người tham gia. Máu của họ sẽ được sàng lọc để tìm ký sinh trùng sốt rét, và sau đó được sử dụng trong các thí nghiệm cho muỗi ăn.

Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi - Ảnh 3.

Muốn truyền được từ người sang muỗi, ký sinh trùng sốt rét trước hết phải phát triển đến giai đoạn tế bào giao tử. Sau khi bị muỗi hút vào, các tế bào giao tử phân chia thành tế bào sinh dục, thụ tinh với nhau và nhân lên. Trong quá trình này, nhóm nghiên cứu của Bousema cũng đã phân tích mật độ tế bào giao tử trong mẫu máu người, vì con số này có thể gợi ý về mức độ lây nhiễm của máu người đó đối với muỗi.

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 148 ca bệnh sốt rét - 38 ca có triệu chứng và 110 ca không có triệu chứng. Họ đã tiến hành gần 540 thí nghiệm cho muỗi ăn bằng máu của 107 người bị nhiễm bệnh, sử dụng một thiết bị giữ ấm máu bằng nước tuần hoàn.

Trong mỗi thí nghiệm, hàng chục con muỗi được thả vào một thùng chứa có thiết bị, nơi chúng có thể tiếp cận máu qua một lớp màng mô phỏng da người. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã mổ xẻ những con muỗi được cho ăn để xem có bao nhiêu con bị nhiễm bệnh. Kết quả là phần lớn các trường hợp nhiễm trùng có liên quan đến máu của những người không có triệu chứng.

Nhìn chung, máu của những người có triệu chứng chỉ lây sang được cho một số lượng rất rất ít, 0,6% tổng số muỗi bị nhiễm bệnh.

Mỗi người bệnh không triệu chứng là một bể chứa mầm bệnh tiềm tàng

Bousema cho biết: "Trong nghiên cứu của chúng tôi, trẻ em và người lớn, nếu bị ốm .. họ thường đến phòng khám trước khi phát triển các tế bào giao tử có thể truyền nhiễm. Các tế bào giao tử mất từ 9 đến 12 ngày để trưởng thành, trong thời gian đó, hầu hết những người có triệu chứng đã được điều trị. Điều này cho thấy nếu khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế của bạn rất tốt, bạn có thể ngăn chặn sự lây truyền của những người có triệu chứng".

Thách thức còn lại nằm ở những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Nếu không kiểm soát được những bể chứa mầm bệnh tiềm tàng này, chuỗi lây truyền sốt rét có thể trở thành một vòng xoáy bất tận. Hoặc chí ít, nó cũng sẽ lên xuống như một đồ thị hình sin. Vào thời điểm chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca sốt rét sẽ giảm, nhưng hễ nới lỏng các biện pháp, chúng sẽ tăng cao trở lại.

Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi - Ảnh 4.

Các vùng quê ở Tororo là khu vực lý tưởng cho muỗi sinh sống. Một người đàn ông đang dẫn nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi vào ngôi làng của mình..

Nghiên cứu của Bousema chỉ ra một sự thật đáng lo ngại, có một số người không có triệu chứng trong nghiên cứu vẫn lây nhiễm trong nhiều tháng, mặc dù mức độ giao tử của họ dao động theo thời gian. Ví dụ, có hai đứa trẻ mang mầm bệnh sốt rét có thể lây nhiễm trong 6 tháng mà không hề phát triển các triệu chứng nào.

Bousema nói: "Nhiễm trùng không có triệu chứng thực sự chiếm ưu thế ở trẻ em và học sinh đi học có thời gian nhiễm trùng lâu hơn, mật độ giao tử cao hơn. Những trẻ em này thực sự là một nguồn lây mầm bệnh sang muỗi chủ đạo".

Tổng hợp lại các kết quả, nghiên cứu mới ước tính rằng trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 đại diện cho gần 57% ổ chứa mầm bệnh sốt rét, có nghĩa là chúng mang hầu hết các loại ký sinh trùng có thể truyền sang cho muỗi. Theo sau trẻ em trong độ tuổi đi học, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 27,5% lượng hồ chứa, trong khi những người từ 16 tuổi trở lên chiếm 15,7% còn lại.

Những con số này chỉ ra một lỗ hổng lớn trong các biện pháp kiểm soát sốt rét, các tác giả lưu ý. Chẳng hạn như ở Uganda, người dân thường được phát màn tẩm thuốc diệt muỗi để che giường khi ngủ. Các tấm màn này hiện đang được ưu tiên cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Nhưng trẻ em trong độ tuổi đi học, những bể chứa mầm bệnh tiềm năng nhất lại đang bị bỏ qua.

Trong vòng xoáy bất tận của dịch bệnh: Con người bây giờ đang truyền ngược ký sinh trùng sốt rét lại cho muỗi - Ảnh 5.

Một cậu bé ở Uganda mang màn được phát miễn phí về nhà.

Ngoài màn, các nhà nghiên cứu cho biết Ugada cần thực hiện các chiến dịch sàng lọc và điều trị tại trường học, để phát hiện ra những ca bệnh sốt rét không có triệu chứng. Các loại thuốc phòng ngừa cũng nên được xem xét triển khai để giúp trẻ em không bị nhiễm ký sinh trùng ngay từ đầu.

Xác định được các lỗ hổng trong quy trình kiểm soát dịch bệnh là bước đầu để chúng ta sửa chữa nó. Và được những khiếm khuyết này sẽ đưa chúng ta tới một chiến thắng toàn diện trước dịch bệnh, thay vì bị kéo vào một vòng xoay vần bất tận của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại