Trong thời buổi nay, chữ tín và đạo đức trong kinh doanh có phải là yếu tố quan trọng số 1?

Nhiều trường hợp nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng sự tín nhiệm để mưu lợi cho bản thân đem lại hậu quả không khủng khiếp lắm nếu được giải quyết bằng tài chính hoặc lợi ích thỏa đáng trong kinh doanh. Nói cách khác, mọi sự phản bội hay trung thực đều có cái giá của nó.

Thông thường, các chuyên gia kinh tế, những doanh nhân thành đạt thường khuyên mọi người nên trung thực hay tuân thủ đạo đức kinh doanh.

Tuy nhiên, những luận điểm của họ có vẻ yếu khi ngày nay sự ngay thẳng là cách hiểu khác của việc chưa đủ giá trị để nói dối.

Những nghiên cứu gần đây cho ra một kết luận khá thú vị rằng trong giới kinh doanh, sự phản bội hay lừa dối có thể được hóa giải bằng đền bù tài chính.

Việc tuân thủ đạo đức kinh doanh chưa chắc đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, còn việc lừa dối hay dùng mánh khóe lại chưa chắc đã bị trừng phạt.

Chính việc không có sự phân chia rõ ràng về giá trị hay tiêu chuẩn đúng sai khiến sự trung thực dễ dàng thất bại khi cám dỗ quá lớn.

Ngày nay, doanh nhân tuân thủ đạo đức kinh doanh với hy vọng công ty sẽ phát triển tốt trong dài hạn. Họ cho rằng việc trung thực sẽ khiến mọi người tôn trọng, sẽ khiến lợi ích của bản thân và mọi người được tối đa hóa.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự trung thực là chìa khóa thành công và hạnh phúc trong một xã hội mà sự tương tác, làm việc tập thể trở nên ngày càng quan trọng.

Hầu hết mọi người đều cho rằng nếu bạn đánh mất niềm tin, những nạn nhân của sự lừa dối này sẽ trả thù hoặc không muốn hợp tác, kinh doanh với bạn nữa.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng sự tín nhiệm để mưu lợi cho bản thân đem lại hậu quả không khủng khiếp lắm nếu được giải quyết bằng tài chính hoặc lợi ích thỏa đáng trong kinh doanh. Nói cách khác, mọi sự phản bội hay trung thực đều có cái giá của nó.

Hãy lấy hãng dầu mỏ Exxon làm ví dụ. Công ty này thường xuyên có các hợp đồng làm ăn với các khu vực ven biển hay những hải cảng nhằm thỏa thuận cho việc neo đậu, vận chuyển dầu của hãng.

Tất nhiên, công ty này luôn cam kết giảm thiểu tối đa khả năng tràn dầu cũng như sẽ giải quyết nhanh chóng nếu nguy cơ này diễn ra.

Tuy nhiên, nhiều vụ tràn dầu của Exxon vẫn diễn ra và công ty này chẳng thế giải quyết như họ cam kết nhưng công ty này vẫn tồn tại và lớn mạnh đến tận ngày nay.

Năm 1989, tàu chở dầu của Exxon làm loang dầu tại thị trấn Valdez và tạo nên vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chư từng có trong lịch sử. Trái với những gì ghi trong bản cam kết, hãng Exxon không giải quyết triệt để được vụ tai nạn này.

Ngoài khoản bồi thường hơn 2 tỷ USD cũng một số lệnh cấm hoạt động tại bang Alaska, tập đoàn dầu lửa này không hề chịu một tổn thất quá nặng nề nào khi vi phạm đạo đức kinh doanh.

Một ví dụ khác, nhiều giáo viên thể thao tại các trường đại học Mỹ ký kết những hợp đồng dài hạn, nhưng họ thường ra đi chỉ sau 1 mùa giải thành công để tìm bến đỗ với mức lương cao hơn.

Đây là điều thường xuyên xảy ra tại Mỹ và hầu như chẳng có sự trừng phạt nào mấy, trừ khi hợp đồng quy định mức phạt quá lớn, đối với những huấn luyện viên này.

Trong thời buổi nay, chữ tín và đạo đức trong kinh doanh có phải là yếu tố quan trọng số 1? - Ảnh 1.

Liệu có chuyện nhân quả cho những người nói dối hay vi phạm đạo đức kinh doanh? Liệu những công ty vi phạm đạo đức kinh doanh có nhận được sự trừng phạt thích đáng trong dài hạn?

Điều này nghe có vẻ phi lý khi nhiều tập đoàn lớn hiện nay trên thế giới đã từng vi phạm cam kết hoặc liên quan đến những vụ lừa đảo nhưng hoàn toàn có thể giải quyết bằng tiền.

Vụ việc hóa chất tại nhà máy Samsung khiến nhiều công nhân hãng này bị ung thư vẫn gặp nhiều tranh cãi và phán quyết qua nhiều năm, thậm chí khi nhiều nạn nhân đã qua đời. Hiện tập đoàn này vẫn chiếm vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Hàn.

Tại Nhật Bản, vụ ô nhiễm môi trường Minamata vô cùng nổi tiếng cuối cùng cũng khép lại khi thủ phạm chính là công ty Chisso vẫn tồn tại và thậm chí vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật.

Trong xã hội ngày nay, có lẽ quyền lực mới là chìa khóa cho thành công và hạnh phúc chứ không phải sự trung thực và niềm tin.

Chuyên gia về lịch sử, chính trị, xã hội nổi tiếng Niccolo Machiavelli (1469-1527) cũng đã từng phải thốt lên rằng: “Con người thường hiếm khi leo lên được địa vị cao trong xã hội mà không sử dụng đến bạo lực hoặc gian lận”.

Nếu bạn là sinh viên, chắc hẳn bạn thường đau đầu với những khoản tiền học phí mà tiền phạt nộp muộn khá lớn cũng như khác gấp.

Trong khi đó, nếu bạn được nhận học bổng hay những khoản tiền thường từ nhà trường, số tiền được giải ngân sẽ vô cùng chậm với nhiều thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, các sinh viên chẳng thể làm gì bời họ thấp cổ bé họng.

Trong giới kinh doanh, những nguyên tắc tiêu chuẩn về đạo đức thường khó áp dụng khi có sự chênh lệch lớn về quyền lực. Nói cách khác, bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu kiên trì tiêu chuẩn đạo đức không phù hợp với các đối tác, nhà cung cấp hay khách hàng.

Một nhà môi giới bất động sản giấu tên đã từng thổ lộ trên trang HBR rằng: “Xã hội ngày nay thật tệ hại. Mọi người sẵn sàng chấp nhận làm ăn với một đối tác mà họ không tin tưởng miễn là điều này phù hợp với lợi ích của bản thân.

Họ bảo với luật sư của mình rằng hãy cẩn thận, đối tác này không trung thực, không đáng tin cậy và họ sẽ hủy hợp đồng ngay lập tức nếu có điều gì đó xảy ra. Tuy nhiên công việc làm ăn như vậy vẫn được tiến hành...

Tôi đã từng làm ăn với những người mà tôi biết chắc họ là đồ khốn và thậm chí tôi chả bao giờ thèm nói chuyện với loại người này nếu không vì công việc. Tuy vậy, những hợp đồng này quá tốt và tôi không đắn đo gì hợp tác với họ để thực hiện chúng.”

Đôi khi, thậm chí quyền lực khiến con người ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của bản thân.

Những công ty sản xuất phụ tùng xe chẳng thể có lựa chọn của riêng mình khi những ông lớn như GM, Ford hay Chrysler nắm vị thế quá lớn trong ngành cho dù những doanh nghiệp ô tô này đối xử với nhà cung cấp chả ra sao.

Rõ ràng, quyền lực đang dần thay thế sự tin tưởng và trung thực trong xã hội.

Tuy nhiên, trong giới kinh doanh thì sự tin tưởng vẫn còn cần thiết để duy trì mối quan hệ và làm ăn.

Không phải ngẫu nhiên mà những quán bar hay karaoke trở nên thân thiết với nhiều doanh nhân khi họ muốn mở rộng quan hệ hay đàm phán công việc. Tại đó, sự tin tưởng là yếu tố mấu chốt để các doanh nhân có thể nói chuyện với nhau.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều người vẫn còn tin tưởng các nhà môi giới của mình sẽ đem lại lợi nhuận như họ đã hứa.

Mặc dù nhiều chuyên gia hay hãng tin đã vạch trần sự thao túng của các tập đoàn tài chính ở Phố Wall nhưng nhiều người vẫn tin rằng họ có thể làm giàu, may mắn sẽ đến với mình hay quyết định của bản thân là chính xác.

Hay như trong nhiều thỏa thuận, mọi người vẫn có sự tin tưởng lẫn nhau khi ký hợp đồng chứ không phải hoàn toàn do sự áp chế về quyền lực.

Dẫu vậy, trong xã hội ngày nay, con người có quá nhiều cơ hội và việc để suy tính và họ hầu như chẳng còn thời gian để nghĩ đến “trả thù” hay “trừng phạt” những người khiến họ mất niềm tin. Tất cả mọi người muốn duy trì mối quan hệ của mình với cái giá chấp nhận được.

Họ dễ dàng bỏ qua, làm lành với các cuộc xung đột nhằm thỏa mãn mục tiêu trước mắt cũng như được sống “dễ dàng” hơn.

Thay vì trả thù hay trừng phạt những người lừa dối mình, các doanh nhân, công ty, khách hàng lựa chọn phương pháp “chuyển đổi”.

Các ông chủ sẽ đổi nhân viên nếu thấy họ lừa dối mình thay vì vướng vào một cuộc kiện cáo phức tạp, trừ khi vấn đề lừa dối quá nghiêm trọng. Khách hàng sẽ chọn chuyển sản phẩm mình dùng nếu phát hiện mình bị lừa thay vì kiện cáo, làm rùm beng lên.

Chính yếu tố này khiến niềm tin và sự trung thực ngày càng yếu đi trong khi mối quan hệ thiên về quyền lực lại càng tăng.

Bạn có thể nói dối một người nếu anh/cô ấy không có quyền lực gì với bạn và có thể làm lành lại, nhưng có lẽ bạn sẽ phải cân nhắc khi lừa dối sếp của mình bởi họ có thể sa thải bạn.

Bên cạnh đó, việc xác định nguyên nhân phá vỡ cam kết là một quá trình khá gian nan và chịu ảnh hưởng nhiều từ quan điểm cá nhân.

Do đó, việc xác định một đối tượng có đáng tin hay không ngày nay khá khó khăn khi hiểu biết của con người là có hạn. Nếu bạn gặp một người sếp nhìn hiền lành và đối xử tốt với bạn, liệu bạn có chắc chắn rằng vị sếp này sẽ không đá bạn ra khỏi công ty nếu lợi ích của ông/cô ấy bị đe dọa?

Trong thời buổi nay, chữ tín và đạo đức trong kinh doanh có phải là yếu tố quan trọng số 1? - Ảnh 2.

Ở một khía cạnh khác, hầu hết các doanh nhân ngày nay đều học được cách tin tưởng nhân viên, đối tác cho đến khi chứng minh được rằng là họ không đáng tin thay vì vội vàng đưa ra kết luận dựa trên những hiểu biết có hạn của bản thân.

Ví dụ ngân hàng sẽ không ngừng nghiệp vụ cho vay chỉ vì vài vụ không có khả năng thanh toán của khách hàng.

Các trường đại học Mỹ vẫn sẽ phải thuê huấn luyện viên và ký hợp đồng dài hạn, giả sử tin tưởng rằng họ sẽ không bỏ chạy giữa chừng nếu muốn thuê được người.

Các nhà cung cấp cũng phải tiếp tục tin tưởng rằng khách hàng của họ sẽ thanh toán đúng hạn cho đến khi một số trường hợp cá biệt không làm như vậy.

Không phải tất cả nhân viên, đối tác, khách hàng, ông chủ trong xã hội đều không đáng tin. Vấn đề ở đây là chỉ có một số người, trong một số trường hợp mà bạn gặp phải sẽ cố tình lừa dối bạn.

Nếu chỉ vì một số trường hợp cá biệt như vậy mà bạn ngừng giao tiếp, ngừng tin tưởng hoặc ngừng kinh doanh thì bạn đúng là đồ ngốc.

Trên thị trường ngày nay, khái niệm trung thực, đạo đức kinh doanh đang bị biến tướng bởi lợi ích. Nhiều công ty duy trì đạo đức vì nó có lợi cho hình ảnh thương hiệu, phù hợp với truyền thống kinh doanh hay đơn giản chỉ là lợi ích để phá vỡ đạo đức chưa đủ.

Hiếm có doanh nghiệp nào có quan điểm không quan tâm đến lợi nhuận, điều gì sai là sai mà đúng là đúng bởi nguồn lực của các doanh nghiệp có hạn và họ không thể tồn tại nếu không có lợi nhuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại