"Trọng tài' VAR Asian Cup 2019 khác gì VAR World Cup 2018?

Thế Lâm |

Đêm qua, chúng ta đã được sống trong sự tự hào cho dù tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-1. Chúng ta thậm chí đã rất tự hào về tinh thần, cách chơi, kĩ thuật, chiến thuật của từ cầu thủ đến ban huấn luyện. Thế nhưng một lần nữa, việc ứng dụng VAR tiếp tục là câu chuyện gây tranh cãi…

Trọng tài VAR Asian Cup 2019 khác gì VAR World Cup 2018? - Ảnh 1.

Trọng tài tham khảo VAR khi tình huống bóng đã diễn ra khá lâu.

VAR đã được áp dụng từ World Cup 2018 tại Nga và khi ấy cũng đã gây ra không ít tranh cãi.

Thế rồi từ vòng tứ kết Asian Cup 2019 trở đi VAR được áp dụng hỗ trợ trọng tài, trong trận đầu tiên Việt Nam gặp Nhật Bản.

Và VAR, vẫn tiếp tục là tâm điểm của dư luận.

Và VAR, vẫn tiếp tục là đối tượng mang đến cả sự ngọt ngào và đắng cay, cả nụ cười và nước mắt.

Ngọt ngào và nụ cười là khi trọng tài Mohammed Abdulla Hassan Mohammed xem lại VAR đi đến quyết định khước từ bàn thắng phạm luật của đội trưởng tuyển Nhật Bản là Yoshida đánh đầu vào lưới của tuyển Việt Nam vì bóng đã đụng tay.

Đắng cay là khi cũng từ việc xem lại VAR trọng tài này ra quyết định cho Nhật Bản hưởng quả phạt đền khiến tuyển Việt Nam thua 0-1 dù về thế trận và mọi yếu tố khác chúng ta chẳng có cách biệt gì nhiều so với tuyển Nhật Bản.

Vậy giữa hai VAR – VAR World Cup 2018 và VAR Asian Cup 2019, có gì khác nhau?

Xét về mặt công nghệ, không có gì khác.

Nhưng xét về cách vận dụng thì rất khác.

Tại World Cup 2018 lần đầu tiên VAR được áp dụng vào bóng đá, hầu hết các trường hợp xem VAR là từ sự thắc mắc, phản ứng từ một trong hai đội trước các pha bóng/tình huống gây tranh cãi; hoặc trọng tài chủ động tham khảo VAR sau khi quan sát và tham khảo ý kiến từ các trợ lí trên sân mà vẫn còn thấy băn khoăn, từ đó ông bước đến màn hình VAR để xem lại pha bóng với nhiều góc nhìn hơn.

Tuy nhiên trong trận Việt Nam – Nhật Bản, trọng tài có 2 lần xem VAR, thì quyết định đều được đưa ra sau khi pha bóng/tình huống bóng đã diễn ra khá lâu, thậm chí trọng tài đã cho trận đấu tiếp tục (tình huống hậu vệ đội trưởng Nhật Yoshida đánh đầu vào lưới thủ môn Văn Lâm) rồi khi nhận được thông tin từ trọng tài VAR mới quyết định dừng trận đấu lại để xem xét.

Trong trận Trung Quốc – Iran cũng thế, cũng một lần trọng tài xem lại VAR theo cách vận dụng như vậy. Cách vận dụng công gnhệ VAR tại Asian Cup 2019 mang tính chất "hồi tố".

Còn tại World Cup 2018, quyết định tham khảo công nghệ VAR được đưa ra ngay sau đó, thậm chí ngay sau khi trọng tài đã quyết định một đằng, và VAR sau đó khiến trọng tài quyết định ngược lại. Chính vì thế mà việc vận dụng VAR tại World Cup 2018 cũng dễ gây tranh cãi hơn.

Thẳng thắn mà nói, trọng tài Mohammed Abdulla Hassan Mohammed sau khi tham khảo VAR quyết định cho Nhật Bản hưởng quả phạt đền cũng xác đáng khi video chiếu lại cho thấy hậu vệ Bùi Tiến Dũng đã giẫm vào chân tiền đạo đối phương.

Tuy nhiên, cách vận dụng VAR theo kiểu "hồi tố" sau khi trận đấu đã tiếp diễn cũng rất dễ gây tranh cãi. Bởi trong bóng đá xưa nay, hầu như tình huống trọng tài chỉ có thể bắt lỗi và phạt "hồi tố" là khi cho bên bị phạm lỗi được cho hưởng phép lợi thế cho đến khi kết thúc pha bóng.

Song, việc phạt "hồi tố" theo phép lợi thế cũng chẳng áp dụng cho mức phạt penalty. Chính vì thế việc dừng trận đấu để "hồi tố" phạt tuyển Việt Nam quả phạt đền trong trận đêm qua đã mang đến cảm giác rất hụt hẫng cho người xem.

Có lẽ sau trường hợp này, FIFA cũng cần có qui định vận dụng VAR để phạt "hồi tố" trong vòng không quá bao nhiêu giây để tránh sự vỡ vụn và hụt hẫng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại