Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế Quy định 205 ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, theo Quy định 114- không bố trí người nhà đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát. Quy định này tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Trung ương và Bộ Chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn liền kiểm soát quyền lực với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Chính trị cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành.
3 năm trước, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Trong 3 năm thực hiện Quy định 205 đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp. Lần này, Quy định 114 cụ thể hơn, tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ. Theo Quy định, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt người đứng đầu ở 13 ngành.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết: "Theo Quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan bao gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương..."
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính
So với quy định 205 năm 2019 của Bộ Chính trị thì Quy định 114 chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình. Theo quy định cũ, những người có quan hệ gia đình không được cùng đảm nhiệm các chức danh như: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; Chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, lần này Bộ Chính trị tiếp tục thể hiện sự quyết tâm, chủ động phòng ngừa vi phạm: "Quy định 114 quy định rất cụ thể, làm sao hạn chế trong cùng một gia đình cùng là người lãnh đạo. Đây là những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. Quy định 114 chỉ rõ những ngành cụ thể. Thứ hai, nếu thực sự có tài thì bố trí chỗ khác, việc khác. Không nên trong một tập thể nhỏ, có mấy người. Loanh quanh toàn người nhà thì cuối cùng khi một vấn đề trong nhà nhiều người tham gia quyết định thì thiếu tính khách quan, chuẩn xác".
Các đại biểu tham dự Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: TTXVN).
13 ngành được Bộ Chính trị nêu cụ thể trong Quy định 114 là những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, liên quan đến vấn đề quản lý ngân sách, tiền bạc, dự án, gắn với lợi ích vật chất. Cùng đó là các ngành thực thi quyền lực, thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật... dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác.
Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế", PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng: không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành chính là cơ chế đã được xác định rõ hơn, cụ thể hơn để kiểm soát quyền lực: "Đây là nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay. Không bố trí người cùng gia đình vào trong một tập thể lãnh đạo nhỏ thì khắc phục được tình trạng lâu nay chúng ta vẫn nói là "nhất hậu duệ" khắc phục tình trạng mà chúng ta vẫn nói là "Con Cháu Các Cụ Cả". Đây là điều đã diễn ra trong nhiều năm nay".
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
Phải thấy rằng, kiểm soát quyền lực không chỉ là kiểm soát những người có chức, có quyền trong thi hành công vụ mà còn phải kiểm soát họ dùng quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định 114 tránh việc đưa người nhà lên làm lãnh đạo ở những ngành "nhạy cảm". Tuy nhiên, để thực hiện được thì trong nội bộ Đảng phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, phải tự giác, cân nhắc kỹ lưỡng để bố trí cán bộ, đảm bảo sau khi bổ nhiệm cán bộ được dư luận đồng tình ủng hộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng: "Đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn. Ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều nếu mình là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu nên phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng".
Việc kế thừa, phát huy truyền thống gia đình trong hoạt động chính trị là điều đáng mừng, nhưng để tránh dư luận xã hội, phải căn cứ vào uy tín, hiệu quả trong công việc làm thước đo đánh giá năng lực. Thực hiện nghiêm Quy định số 114 sẽ góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đặc biệt ở những ngành dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện tốt Quy định 114 cũng cần thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện. Khi phát hiện bất bình thường, có dư luận bức xúc phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo Quy định. Có như vậy Quy định 114 mới đi vào thực chất, tạo niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.