Trong khi người Việt chi tỷ đô mua nhà ở Hoa Kỳ để thực hiện "giấc mơ Mỹ", người Mỹ lại làm điều trái ngược này

Lam Thiên |

Có nhà ở, nghĩa là sự bảo đảm về nhân thân, tài chính, và đạt được cả thỏa mãn về sinh học, nhưng đó không còn là nhu cầu thiết yếu của người Mỹ nữa. "Giấc mơ Mỹ" ngày nay đã mang hình hài khác rất nhiều so với một thập kỷ trước.

Năm 1988, NYTimes từng có bài viết với tiêu đề: "Vì sao sở hữu một ngôi nhà lại là giấc mơ của người Mỹ?", với lời khẳng định chẳng ở đâu trên thế giới, khao khát sở hữu nhà lại nhiều như ở Mỹ.

"So với năm 1980, hàng triệu người Mỹ đã tách mình ra khỏi thị trường nhà ở, nhưng vấn có tới 64% người dân Mỹ lao động cật lực với hi vọng có thể mua được ngôi nhà cho riêng mình. Không có lý do nào khả dĩ giải thích được đầy đủ câu hỏi vì sao người dân của quốc gia phát triển và năng động hàng đầu thế giới lại có quyết định như vậy, nhưng có lẽ, vượt trên tất cả, sở hữu nhà đối với dân Mỹ là sự đầu tư, gia tăng tài sản vững chắc".

Đối với phần lớn người Mỹ, ngôi nhà là phần trung tâm trong sự khẳng định mức độ giàu có và ổn định của một gia đình. Thậm chí, khi đó, với mức lạm phát 5%, một ngôi nhà sẽ mang lại lãi ròng sau thời gian trả góp dài tới 30 năm.

Tính toán của Chicago Title càng khiến nhiều người đổ tiền đầu tư cho bất động sản hơn, khi trang này cho rằng một ngôi nhà mua giá 133.400 USD vào năm 1987 sẽ có giá trị 549.100 USD trong năm 2015. Nếu giá cả tăng lên trong khoảng thời gian đó với tỷ lệ trung bình hàng năm là 8,1%, thì số tiền 133.400 USD ban đầu sẽ cho ra khoản doanh thu 1,18 triệu USD năm 2015. Quả là quá hời.

Thế nhưng bong bóng nhà đất vỡ, người Mỹ dần mất niềm tin vào địa ốc. Khảo sát của CNN vào năm 2014 cho thấy sự ngược dòng của nhà thuê và nhà mua: 64% người dân không muốn mua nhà.

Nina Brown và gia đình dọn tới một ngôi nhà 3 tầng tại Atlanta vào mùa xuân năm trước. Đây là ngôi nhà thuê thứ hai của họ trong vòng 10 năm qua, dù cho Nina có công việc tốt và tài chính ổn định.

"Tôi không còn ý định mua nhà nữa. Nền kinh tế vẫn không ổn định, căn nhà có thể trở thành một gánh nặng tài chính nếu có rủi ro xảy ra", bà Brown cho biết.

Giống như gia đình Brown, khoảng 30-40 triệu người Mỹ đang tìm kiếm những bất động sản cho thuê phù hợp với năng lực tài chính của gia đình. Theo nhà phân tích kinh tế trưởng của Moody, ông Mark Zandi, so với thời điểm trước khi bong bóng nhà vỡ, danh sách những người tìm nhà thuê đã dài thêm hàng triệu cái tên của những người bị ngân hàng tịch thu nhà trong cuộc khủng hoảng. Với họ, nhưng căn hộ thế chấp từng là kỳ vọng của thế hệ trước giờ đây chẳng khác nào gánh nặng.

"Nếu bạn quay trở lại một thế hệ trước, sở hữu nhà là điều thiết yếu cho 'giấc mơ Mỹ'. Suy nghĩ ấy đã thúc đẩy thị trường mua nhà đất phát triển trong một thời gian dài, giống như người ta tin kim cương là biểu hiện cho tình yêu vĩnh cửu. Nhưng bây giờ ít người nghĩ về điều đó theo cách này. Họ nghĩ tới việc sống ở thành phố hay ở nông thôn, nội thị hay ngoại ô, thay vì quan tâm căn nhà mình đang ở là sở hữu riêng hay đi thuê lại".

Những tính toán về tài chính thực tế cho thấy một gia đình thường phải chi khoảng 3.000 - 4.000 USD tiền thuê sở hữu nhà đất mỗi năm nếu tham gia vào các giao dịch mua bán nhà, cộng thêm chi phí công cộng địa phương, tiền gốc lãi trả ngân hàng nếu mua nhà trả góp, số tiền họ bỏ ra trong suốt 20 năm sẽ không sinh thêm một khoản lời nào. Thực tế này khác rất xa so với tính toán vào những năm 1988 trước đó.

"Tôi từng có một ngôi nhà thuộc diện trả góp, với công việc ổn định. Nhưng khi quyết định nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác, tôi bị liệt vào nhóm không có việc làm, mất khả năng chi trả nợ và nhà bị niêm phong ngay.

Tôi nhận ra rằng bản thân chẳng có cách nào giữ được ngôi nhà, thậm chí còn mất sạch mất công sức trả tiền trong khoảng thời gian dài mà vẫn không có nhà, thua kém một người đi thuê. Giờ đây khi không còn bó buộc mình vào mục đích sở hữu nhà, tôi có thể tập trung hơn vào thứ mà mình tự chủ được - sự nghiệp của bản thân", Nina Brown nói.

Không còn là thước đo về "giấc mơ Mỹ", thị trường nhà đất Mỹ im ắng hơn hẳn, và giá nhà đã giảm mạnh kể từ năm 2014 đến nay. Lindsay Bell cũng góp mặt trong danh sách những người bán nhà, nhưng suốt 2 năm qua, căn hộ của cô không có ai hỏi tới. Khi mua nó vào năm 2008, Lindsay bỏ ra 325.000 USD, nhưng giờ chỉ mong thu lại 175.000 USD.

"Năm 2002, gia đình tôi mua một căn hộ giá 211.000 USD, rồi bán lại với giá gấp đôi sau 3 năm. Sau đó, chúng tôi tích góp mua căn nhà này. Bây giờ, số tiền có thể thu lại còn không bằng năm 2002", Lindsay Bell cho biết.

Trong khi đó, với những người mua mới, họ ngại ngần khi được môi giới đưa tới những căn hộ bị ngân hàng hoặc công ty tài chính siết nợ do chậm đóng tiền hàng tháng. Những ngôi nhà này thường đã nằm chờ hàng năm trời, nội thất hư hỏng khi chủ cũ cố gắng mang đi càng nhiều đồ đạc càng tốt trước khi bị niêm phong, và cả sự u ám của một tài sản bị rao bán lại do nợ nần khiến họ không mấy hào hứng.

" Ở Chicago hay những thành phố gần Mexico, khách mua nhà có thể phải chờ vài tháng trời mới kết nối được với chủ nhà, bởi đó chỉ là những bất động sản đặt chỗ của những người không có quốc tịch Mỹ. Đó là lý do vì sao những biệt thự sang trọng, giá hàng chục triệu USD được sang tay nhanh hơn nhiều so với những ngôi nhà ngoại ô chỉ có giá chưa đầy 500.000 USD.

Những người có nhu cầu về nhà ở lớn nhất là gia đình trẻ lựa chọn thuê nhà tại thành phố lớn, nơi thuận tiện giao thông và phục vụ tốt hơn cho công việc. Họ không đủ tài chính để mua nhà ở đó, nhưng cũng không mạo hiểm mua nhà nông thôn vì sợ giá xuống nhanh. Thị trường cứ chết dần vì những điều như vậy đấy", Linda Slayden, một môi giới nhà đất tại Chicago cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại