Hàng năm, bộ Nông nghiệp Mỹ phải chi hàng triệu đô la cho các nông dân để cải thiện tình hình nông sản trong nước.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn đang tăng đầu tư vào hình thức trang trại thành phố. Năm 2016, bộ Nông Nghiệp Mỹ đã đầu tư vào 12 trang trại trong thành phố. Và kế hoạch trong năm tới, họ sẽ còn chi nhiều hơn nữa vào các ngôi vườn ngay trên mái nhà và trong nhà kính.
Năm 2016, 9 nông dân trẻ đã tham gia vào 1 dự án giúp tăng tốc canh tác có tên Square Roots được dẫn dắt bởi Kimbal Musk - em trai của tỷ phú Elon Musk và Tobias Peggs, trở thành những người đầu tiên nhận được quỹ đầu tư Microloan ở New York.
Cụ thể, những người tham gia dự án này sẽ phát triển cây trồng bên trong các container được trang bị hệ thống đèn LED, nhờ vậy môi trường có thể tùy ý điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với cây trồng.
Peggs và Musk cũng đã giúp đỡ chính phủ Mỹ điều chỉnh Microloan để các nông dân dễ tiếp cận chương trình vay vốn này hơn trong tương lai.
Cụ thể, chương trình này đã mở rộng thêm cho phép người dân ở thành thị có thể đầu tư thêm trang thiết bị cho công việc "nhà nông" của mình.
Tuy nông nghiệp không phải là ngành mà ông Donald Trump đặc biệt chú trọng, nhưng ông cũng đã trực tiếp bổ nhiệm Bộ trưởng bộ Nông nghiệp mới khi lên cầm quyền. Đây là động thái cho thấy quan điểm ủng hộ của ông đối với các dự án Nông nghiệp đang tiến hành.
Bộ Nông nghiệp Mỹ hiện tại đang có tới 2.200 văn phòng, phần lớn nằm ở các vùng nông thông như Missouri, Iowa, Texas. Có vẻ như vùng Brooklyn sẽ là mục tiêu tiếp theo, khi mới đây đã có các chuyên gia nông nghiệp đến tận nơi để thực hiện các đo đạc cũng như thí nghiệm cần thiết.
Những sáng tạo và các dự án được Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra không phải là không có lí do. Họ đã tính toán và chuẩn bị cho các phương án về lương thực trong tương lai.
"Dân số thế giới sẽ đạt 9 tỉ người năm 2050. Chúng tôi cần thúc đẩy mọi tiềm lực để tìm ra giải pháp cho nguồn cung cấp lương thực. Chúng tôi mong muốn có thể tự quyết trong vấn đề lương thực", người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Dựa vào các công nghệ và mô hình trồng trọt hiện đại đã được phát triển từ những năm 90, hiện giờ mô hình "nông dân thành thị" ở Mỹ đang rất phát triển.
Những sản phẩm được trồng trên mái nhà hay các khu vườn tự chế không chỉ giúp họ có thể tự cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, mà có thể sinh lời khi bán chúng cho các chợ rau củ quả sạch.
Năm 2016, nước Mỹ cho ra mắt trang trại thẳng đứng lớn nhất của thế giới, Aerofarms có diện tích hơn 6.500m2 tại Newark, New Jersey. Trước đó, vào cuối năm 2015 công ty Gotham Green đã khai trương trang trại trên tầng thượng lớn nhất thế giới ở Chicago.