Do hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác nên nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hồ tiêu xuống thấp, cùng với việc tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến nông dân lao đao.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và ngay cả chính người nông dân phải định hình lại quá trình sản xuất hồ tiêu từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, đến khâu chế biến, tiêu thụ để duy trì ngành hàng hồ tiêu phát triển bền vững.
Niên vụ hồ tiêu 2018-2019 tiếp tục là một năm khó khăn đối với người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên khi giá cả liên tục giảm và đang ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm qua. Thêm nữa, hàng chục nghìn hecta tiêu nhiễm bệnh và chết trụi khiến nông dân trắng tay, điêu đứng vì những khoản nợ tiền tỷ.
Tiêu chết trên diện rộng
Anh Đoàn Văn Bằng, một nông dân trồng tiêu tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, một trong các địa phương có diện tích trồng tiêu tập trung nhất tỉnh Đắk Nông cho biết, vào khoảng tháng 10/2018, khi vừa chấm dứt một đợt mưa kéo dài nhiều tháng liền, vườn tiêu rộng gần 8ha của gia đình anh bỗng dưng vàng lá rồi chết trụi.
Hơn 10.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch ổn định bỗng dưng vàng lá, rụng cành giống như bị xịt thuốc cỏ cháy rồi “lăn” ra chết chỉ trong vòng vài tuần.
Theo các hộ dân, từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô chỉ diễn ra chưa đầy một tuần khiến họ không kịp trở tay. Nhiều hộ tốn hàng chục triệu đồng để mua thuốc trừ bệnh nhưng không hiệu quả.
Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan. Có nhiều hộ dân chết sạch một lúc gần 10.000 trụ tiêu, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Huyện Đắk Song là địa phương có diện tích hồ tiêu tập trung và lớn nhất tỉnh Đắk Nông với hơn 15.000ha. Đây cũng là địa phương thiệt hại nặng nhất bởi tình trạng tiêu chết với gần 1.700ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá tiêu... cùng hàng trăm ha đã chết trụi vào đầu mùa khô năm 2018-2019.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, lượng mưa kéo dài kỷ lục là nguyên nhân chính khiến nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn huyện nhiễm bệnh rồi chết.
Năm 2018, liên tục trong vòng khoảng bốn tháng, tại nhiều khu vực trên địa bàn Đắk Song ngày nào trời cũng mưa. Do đó, cây tiêu gần như bị đảo lộn nhịp sinh trưởng, úng nước không phát triển được.
Thêm nữa là do tình trạng người dân sử dụng phân chuồng, nhất là phân gà, phân bò... nhưng xử lý không đúng cách, dẫn tới mầm bệnh tích tụ trong đất và bùng phát dịch bệnh khi thời tiết bất lợi.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai tình trạng hồ tiêu chết chết hàng loạt cũng diễn ra trên diện rộng lên tới cả nghìn ha gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Thời điểm này, về các vùng trọng điểm hồ tiêu của Gia Lai như Chư Sê, ChưPưh, Chưprông đâu đâu cũng hoang tàn, xơ xác, chỉ còn trơ mỗi thân tiêu khô khốc, lòng thòng trên thân trụ. Thực trạng này đang kéo dài nỗi ám ảnh, khiến hàng ngàn hộ nông dân lâm vào nợ nần, mất nhà cửa, thậm chí phải tha phương, cầu thực.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích hồ tiêu bị chết hoàn toàn tại ba địa phương trọng điểm này là hơn 10.000ha; trong đó Gia Lai là địa phương có diện tích tiêu chết lớn nhất, hơn 5.500ha, Đắk Lắk hơn 2.800ha, kế đến là Đắk Nông.
Giá hồ tiêu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, nguyên nhân khiến tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt trên diện rộng một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển; trong đó có các bệnh hại rễ do nấm và tuyến trùng gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất theo phong trào của nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh bùng phát.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, trong hai năm qua, diện tích hồ tiêu bị bệnh khoảng 2.500ha, diện tích tiêu bị chết hoàn toàn khoảng 2.800ha.
Đây là một con số khá lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh và gây nhiều khó khăn cho những hộ trồng hồ tiêu.
Diện tích hồ tiêu bị chết chủ yếu là do người dân trồng ở những vùng không phù hợp về điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu, trồng những vùng dễ ngập úng, khó thoát nước. Mặt khác quy trình canh tác của người dân không phù hợp dẫn đến sâu bệnh.
Đặc biệt trong hai năm gần đây do giá tiêu xuống thấp nên nhiều vùng bà con không mặn mà trong đầu tư chăm sóc nên cây hồ tiêu không phát triển, nhiễm bệnh.
Đổ nợ vì tiêu
Khoảng 5 năm trước đây giá hồ tiêu ở mức rất cao, khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg đã làm cho nhiều hộ nông dân chỉ qua một mùa đã thành tỷ phú.
Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo ở Tây Nguyên bà con đã xây được những căn biệt thự khang trang, mua sắm được những vật dụng đắt tiền, cuộc sống không khác gì phố thị.
Chính do lợi nhuận vượt trội so với các loại cây trồng khác nên cây hồ tiêu đã tạo ra sức hút rất lớn đối với người dân. Nhiều nông hộ đã đi vay ngân hàng, thậm chí vay lãi ngoài đầu tư trồng tiêu.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, cộng với giá cả lao dốc (có thời điểm vào đầu năm 2019 chỉ còn 42.000 đồng/kg) đã khiến nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.
Năm 2015, thấy giá tiêu tăng quá cao 250.000/kg nên gia đình anh Tông Văn Dũng ở làng Klã, xã IaKly, huyện ChưPrông, tỉnh Gia Lai đã dốc toàn lực và vay mượn thêm để đầu tư trồng 7ha.
Sau ba năm dày công chăm sóc, một số diện tích đã bắt đầu cho thu bói, hy vọng sẽ có thành quả. Không ngờ mùa mưa năm 2018, tiêu bị nhiễm bệnh chết trắng hết, hiện vườn tiêu của gia đình đã chết 5ha, 2ha còn lại đang tiếp tục chết.
Chỉ sau một mùa mưa, giấc mộng trở thành tỷ phú của gia đình anh Dũng đã tan thành mây khói, giờ chỉ còn khoản nợ 2,6 tỷ đồng của ngân hàng không biết phải xoay sở thế nào.
“Rất mong các ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ hoặc giảm lãi suất để người dân trồng tiêu tiếp tục có điều kiện tái đầu tư sản xuất để trả nợ dần,” anh Dũng ngậm ngùi chia sẻ.
Tương tự, tại xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, nông dân cũng điêu đứng vì tiêu chết đột ngột. Nhiều gia đình đã “dốc túi” hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để trồng tiêu, nay chưa thu hoạch hoặc mới hái bói thì tiêu đã chết trụi.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung cho biết toàn thôn Đắk Kual 5 có hơn 2/3 hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại do dịch bệnh tràn lan trên diện rộng, tiêu đang cho thu hoạch ổn định cũng chết, chuẩn bị cho thu hoạch cũng chết.
Hầu hết các hộ trồng tiêu đều vay ngân hàng để đầu tư, có hộ nợ ngân hàng số tiền lên đến 3,5 tỷ đồng nhưng không có nguồn nào để trả nợ.
Nhiều hộ dân trồng tiêu không có khả năng để trả nợ ngay khiến ngân hàng cũng phải gánh những khoản nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân trên địa bàn tỉnh vay trồng và chăm sóc hồ tiêu là trên 4.000 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay; trong đó 2.200 tỷ đồng là khoản vay nợ xấu.
Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là niêm vụ hồ tiêu năm 2018-2019 là một năm khó khăn chồng chất khi nông dân tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên bất lực nhìn vườn cây chết dần chết mòn. Giấc mộng tỷ phú nhờ loại nông sản được mệnh danh là “vàng đen” tan tành, chỉ còn lại những khoản nợ tiền tỷ không biết lấy đâu ra để trả.